Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội sẽ diễn ra. Việc Sở Giáo dục và Đào tạo công bố tỷ lệ “chọi” vào các trường THPT từ giữa tháng 5 khiến cho nhiều người lo lắng.
Tuy nhiên, tỷ lệ “chọi" không đồng nghĩa đó là trường top, bởi có nhiều thí sinh chọn phương án an toàn nên chọn trường có điểm chuẩn không cao, dẫn đến lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhiều hơn chỉ tiêu.
Các thống kê trước đó cho thấy một số trường THPT tại Hà Nội có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển tăng cao dẫn đến tỷ lệ chọn trúng tuyển biến động mạnh; lại có những trường số học sinh đăng ký dự tuyển thấp hơn so với chỉ tiêu... Cụ thể, nằm trong nhóm 10 trường THPT có tỷ lệ chọn cao nhất thành phố có khá nhiều trường mọi năm điểm tuyển sinh thấp: Trường THPT Nguyễn Văn Cừ có 630 chỉ tiêu, nhưng số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường lên tới 1.355 em (1/2,15); Trường THPT Đại Mỗ có 675 chỉ tiêu nhưng có tới 1.511 học sinh đăng ký (1/2,24)... Cũng nằm trong nhóm các trường có tỷ lệ chọn tuyển cao còn có Trường THPT Ngọc Hồi với 1/2,08 - xếp thứ 13 toàn thành phố. Trong khi năm 2023, trường này xếp thứ 107 với tỷ lệ chọn tuyển là 1/1,03.
Đáng lưu ý, trong thời gian đăng ký dự tuyển những ngày qua còn có hiện tượng thí sinh đăng ký vào một số trường có tỷ lệ “chọi” thấp dưới 1 (lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh). Trong đó có Trường THPT Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng); các trường THPT ngoại thành như Minh Quang, Nguyễn Quốc Trinh, Đông Mỹ, Lưu Hoàng, Đại Cường, Bắc Lương Sơn... Thí sinh đăng ký những trường có tỷ lệ “chọi” thấp nói trên yên tâm rằng cầm chắc suất đỗ. Dẫu thế, theo khuyến cáo từ các thầy cô giáo, thí sinh không nên căn cứ vào mức độ cao, thấp của tỷ lệ “chọi” để dự đoán về điểm chuẩn cũng như khả năng trúng tuyển, tránh ảnh hưởng đến hiệu quả ôn tập. Tỷ lệ “chọi” thấp không có nghĩa rằng cơ hội trúng tuyển của thí sinh đăng ký vào trường đó cao hơn những thí sinh khác.
Sự biến động mạnh về tỷ lệ “chọi” cộng với quy định không được đổi nguyện vọng khiến không ít học sinh và phụ huynh lo lắng vì cho rằng tỷ lệ “chọi” cao thì điểm chuẩn sẽ cao và khó trúng tuyển hơn. Ông Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định chia sẻ, tỷ lệ “chọi” mang tính chất tương đối, phản ánh sự quan tâm của thí sinh đối với nhà trường. Tỷ lệ này ở mức độ nào phụ thuộc nhiều yếu tố như tâm lý thí sinh, phụ huynh, biến động về dân số, điểm chuẩn... Tỷ lệ “chọi” cao chưa chắc điểm chuẩn sẽ cao. Thí sinh không nên quá lo lắng mà hãy xác định đây là yếu tố để nỗ lực hơn nữa. Ngoài ra, mỗi thí sinh có 3 nguyện vọng dự tuyển vào trường công lập và còn nhiều lựa chọn khác ở các loại hình trường...
Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Chung - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) đưa lời khuyên, học sinh và phụ huynh không nên hoang mang trước thông tin về tỷ lệ “chọi” mà nên nhìn vào điểm chuẩn của các năm học trước để đánh giá độ khó. Thay vì phân tâm, học sinh cần giữ sức khỏe, sự bình tĩnh để tập trung ôn tập, cố gắng hết mình để đạt được mục tiêu của bản thân.
Bà Đặng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cũng phân tích, khi đăng ký vào trường có tỷ lệ “chọi” cao, học sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng. Tỷ lệ “chọi” chỉ là một yếu tố để biết được nguyện vọng lựa chọn của học sinh, quan trọng hơn là điểm chuẩn của các trường. Thực tế, tỷ lệ “chọi” thấp chưa chắc điểm chuẩn đã thấp bởi có thể những học sinh đăng ký đều là những em học xuất sắc.
Trước sức “nóng” về tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung, phương án an toàn trong tuyển sinh đang dần được thí sinh lựa chọn. Nhưng khi có quá nhiều người lựa chọn sự an toàn, cũng đồng nghĩa với điểm an toàn đó lại trở thành quá tải, dẫn tới tỷ lệ “chọi” bỗng cao vọt.
Thực tế này cho thấy, chọn an toàn cũng chỉ là những giải pháp tình thế để các em có được một suất học trong trường công. Về lâu dài, để việc lựa chọn trường THPT công không phải là cánh cửa duy nhất với học sinh lớp 9, công tác hướng nghiệp cần được đầu tư bài bản hơn, đi vào thực chất hơn. Việc hướng nghiệp nếu được sự đồng thuận, ủng hộ giữa gia đình - nhà trường - học sinh thì những cánh cửa mở ra từ các trường THPT tư thục, trường nghề… mới thực sự có ý nghĩa. Nếu không đó sẽ lại là vòng quay luẩn quẩn: Hướng nghiệp bắt ép để bảo vệ thành tích của các nhà trường.