Phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ và các cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng vừa kết thúc. Với mức án 12-17 năm tù dành cho hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã khiến người ta không khỏi trăn trở, đau lòng. Vì đâu những người từng đứng đầu, lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương lại thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật đến mức như vậy? Bài học nào cho các cán bộ đương chức, đương quyền hiện nay?
Chuyện hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến hay hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn phải ra tòa, cùng nhiều lãnh đạo gần đây bị xử lý là những hậu quả của cả một quá trình vi phạm. Và với việc hàng loạt các cán bộ cao cấp, lãnh đạo chủ chốt các địa phương phải chịu kỷ luật, chịu hình phạt đã cho thấy, có một thời kỳ công tác quản lý, công tác cán bộ đã có nhiều lơi lỏng… Nhiều vấn đề trong các khâu cần phải được nhìn nhận, rà soát, chỉnh đốn. Và một trong vấn đề chủ chốt chính là việc phải tiếp tục tích cực phòng, chống tham nhũng. Chỉ có chống tham nhũng mạnh, làm mạnh, không có vùng cấm, vùng nhạy cảm thì người ta mới không thể, không dám tham nhũng, không dám vi phạm pháp luật.
Trong những công cụ để phòng chống tham nhũng, thì việc phải làm mạnh ngay từ khâu kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện là rất quan trọng. Đơn thư tố cáo, phát hiện của quần chúng nhân dân, của báo chí phải được các cơ quan chức năng sớm xem xét, xử lý triệt để. Kiểm tra, giám sát, thanh tra phải được làm thường xuyên, phải gắn trách nhiệm không chỉ với đối tượng được kiểm tra, thanh tra mà với cả người đi kiểm tra, thanh tra.
Những con số phát hiện, kiểm tra của ngành kiểm tra, giám sát, thanh tra những năm qua, năm vừa qua cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra đang tiếp tục được làm mạnh. Chỉ trong năm 2019, qua công tác kiểm tra, cấp ủy các cấp đã phát hiện 561 tổ chức đảng và 923 đảng viên có khuyết điểm, trong đó có 14 tổ chức đảng, 171 đảng viên phải thi hành kỷ luật. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII, cấp ủy và kiểm tra các cấp đã phải thi hành kỷ luật đến 1.111 tổ chức đảng, 1.265 cấp ủy viên các cấp và 554. 573 đảng viên. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã phải thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 126 đảng viên. Còn về thanh tra, chỉ riêng năm 2019, ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 173.411 tỷ đồng, 22.548 ha đất, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 83.968 tỷ đồng, 121 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 1.967 tập thể; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng…
Kiểm tra, thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều nhưng vì sao tình trạng vi phạm pháp luật vẫn rất lớn, như một căn bệnh trầm kha? Phải chăng chế tài pháp luật chưa mạnh, chưa nghiêm hay còn những kẽ hở như công tác kiểm tra, thanh tra vẫn chưa nghiêm, chưa đạt yêu cầu? Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ ra: một số kết luận thanh tra còn hạn chế, một số cuộc thanh tra còn kéo dài. Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp…
Một trong những yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ là ngành Thanh tra cần tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Lĩnh vực nhạy cảm là những lĩnh vực nào cũng cần được chỉ rõ, như trách nhiệm của chính những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Nếu như trước đây, công tác kiểm tra, thanh tra làm mạnh, làm rốt ráo, chỉ rõ ra các sai phạm, ngăn chặn sai phạm thì chắc chắn sẽ hạn chế được các hậu quả. Những cựu Bộ trưởng như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, hay những cựu Chủ tịch thành phố như Trần Văn Minh, Phan Hữu Chiến ngay từ sớm được chỉ ra cái sai, biết sai, bị xử lý, kỷ luật, biết sợ thì có lẽ đã không phải ra tòa nhận những hình phạt nghiêm khắc?
Phải chăng, có một thời gian, người ta đã tránh né, ít động chạm đến những lĩnh vực nhạy cảm. Và rồi cho đến nay, không ít các lĩnh vực vẫn bị cho là khó, còn xuê xoa như việc kê khai tài sản của các cán bộ, nhất là cán bộ có chức, có quyền, những người đứng đầu, giữ trọng trách lớn. Năm nào cũng vậy việc kê khai tài sản đều cũng được thực hiện, và qua kiểm tra cũng chỉ phát hiện được rất ít, tỉ lệ không đáng kể số người kê khai không trung thực. Đồng thời còn đó vấn đề minh bạch tài sản, giải trình và giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Đặc biệt với những vụ việc được phát hiện, tố cáo, càng cần phải kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm. Không thể chỉ với đồng lương công chức, kể cả lương lãnh đạo cấp cao mà có thể xây được biệt thự, đi xe hơi…
Năm mới 2020 đã sang, một cái Tết Nguyên đán đang đến gần, và một trong những vấn đề cũng có thể coi là nhạy cảm là việc nhận quà biếu. Năm nào cũng vậy, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đều có văn bản nhắc nhở, nghiêm cấm việc biếu tặng, quà Tết. Thanh tra Chính phủ đã mở các đường dây nóng để chặn quà Tết. Sau mỗi dịp Tết, cũng đều có rà soát, kết luận, và không ít năm đều không phát hiện được việc vi phạm trong việc tặng, biếu quà Tết. Vậy nhưng chỉ khi các vụ việc vỡ lở, khi các bị can, bị cáo ở trước cơ quan điều tra, đứng trước tòa mới lại vanh vách nhớ lại, khai ra những món quà đã biếu tặng trong dịp lễ, tết. Không ít vụ việc chỉ riêng những món quà, lượng quà gom lại đã hàng chục, hàng trăm tỷ đồng…
Và như vậy, từ những thông điệp, yêu cầu của Chính phủ như tiếp tục tấn công vào những lĩnh vực nhạy cảm, tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, tiếp tục khẳng định chủ trương, hành động, quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, đem lại cho người dân niềm tin.