Ngày 9/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ này và tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan vừa có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty THHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.
Như vậy, sau rất nhiều ý kiến, vụ việc cuối cùng cũng đã được cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu. Đây là tín hiệu rất đáng phấn khởi bảo vệ môi trường bền vững trong quá trình phát triển.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Cụ thể, Bộ TNMT thống nhất phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất, toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Khu vực đổ là nơi san lấp cho khu neo trú tàu thuyền và phần diện tích này trước đó Công ty cổ phần cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã thỏa thuận, đồng ý cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đổ khối lượng bùn cát nạo vét.
Bộ TNMT cũng thống nhất với UBND tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà đầu tư về sự cần thiết phải xây dựng và sớm vận hành các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và an ninh năng lượng Quốc gia.
Dựa trên các văn bản thỏa thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất nạo vét xuống khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân trong phần diện tích mà đơn vị này đã thỏa thuận dự kiến cho đổ vật chất nạo vét của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Bộ TNMT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương trao đổi với các bên liên quan trong tháng 8/2017 thống nhất được phương án để Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất vào vị trí đã nêu, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Đồng thời kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, thành lập một đơn vị quản lý, điều phối chung các hoạt động của các đơn vị tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Về giải pháp lâu dài, Bộ TNMT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, lấn biển , chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Đặc biệt đánh giá các mặt về cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh tế - xã hội để sử dụng vật chất nạo vét san lấp, lấn biển, chống xâm thực, sạt lở bờ biển.
Trước đó, Bộ TNMT đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT, ngày 23/6/2107, chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 918.533 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Theo đại diện Tổng cục Biển và hải đảo thì trong quá trình nhận chìm “vật chất” nếu có sự cố thì sẽ dừng ngay.
Tuy nhiên, quyết định trên đã gặp phản ứng từ phía chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng như nhiều nhà khoa học biển, khoa học môi trường.
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện- Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận “lấy làm tiếc” khi Dự án “nhận chìm vật chất” đã không tham vấn ý kiến của các hộ nuôi tôm, hải sản trong vùng cũng như các hộ dân có quyền lợi, trách nhiệm liên quan theo quy định pháp luật.
Còn ông Phạm Văn Chi- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa thì cho rằng nên tạm dừng việc nhận chìm chất thải xuống vùng biển này.
Còn Hội Nghề cá cũng có kiến nghị đề nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện cấp phép của Bộ TNMT về việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải; kiến nghị cho thành lập tổ chức độc lập kiểm tra, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc đổ chất thải nạo vét; xem xét quy trình thẩm định dẫn tới cấp giấy phép 1517 của Bộ TNMT.
Theo Hội Nghề cá, vùng nhận chìm 1 triệu m3 chất thải là vùng nước có năng suất sản lượng thủy sản cao hơn nhiều vùng khác; đáy biển là cát và đá nhưng là nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản bố mẹ quý hiếm như tôm hùm, các loài giáp xác và nhiều loài nhuyễn thể sinh sống.
Gần đó là khu bảo tồn Hòn Cau, nơi có thảm cỏ biển, rạn san hô, là nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh để từ đó lan tỏa ra toàn bộ vùng biển miền Trung.
Trong kiến nghị của mình, Hội Nghề cá đặt câu hỏi: Tại Bình Thuận dự kiến có 5 nhà máy nhiệt điện. Ngoài Vĩnh Tân 1 xin đổ bùn thải ra biển, các nhà máy khác sẽ đổ bùn đi đâu, hay tiếp tục mang ra vùng biển này để đổ?
Như vậy, rất có thể khi việc nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận) không được chấp nhận, thì cũng có nghĩa “ý tưởng” của đại diện Tổng Công ty phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét (cách Hòn Cau khoảng 10 km) cũng sẽ không được đáp ứng.