Sáng 11/11, góp ý kiến vào Dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) nhiều đại biểu băn khoăn về mục đích, tên gọi chính quyền biển, việc phá dỡ tàu biển cũ, việc phát triển cảng biển thế nào phù hợp với chiến lược phát triển biển Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Cho rằng việc đặt tên cho đơn vị quản lý cảng biển không nên câu nệ, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nói: “Đừng sợ đặt tên là chính quyền cảng thì trùng với chính quyền địa phương”, tên gọi sẽ hàm chứa nội hàm của khái niệm. Nếu là chính quyền cảng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) quản lý tốt các cảng biển. Bởi, có rất nhiều cụm cảng biển, nếu quản không tốt sẽ gây lãng phí.
Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng “dù có dùng từ ngữ nào cho chính quyền cảng thì đây cũng là chế định lưỡng tính”. Điều đó có nghĩa, quản cảng sẽ gồm cả chính quyền và DN. Do đó cần chế định phần Nhà nước ủy quyền thực hiện chức năng của Nhà nước cho các DN để quản lý cho hiệu quả.
Ông Lịch cũng đề xuất, không nên lập DNNN quản lý cảng mà đây phải là chế định công tự quản, tự chịu trách nhiệm.
Vấn đề có nên nhập tàu biển cũ về để tháo dỡ hay không cũng được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, chỉ nên cho phép phá dỡ tàu biển nếu loại tàu này hết hạn. Nếu để DN nhập tàu cũ về thì sẽ lợi bất cập hại, sẽ biến Việt Nam thành bãi rác thải của thế giới.
Kiên quyết bỏ nhập tàu biển cũ về để phá dỡ, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, chỉ chấp nhận phá vỡ tàu biển cũ ở trong nước. Nếu cứ để tình trạng tàu biển cũ nhập về để phá dỡ sẽ gây quá nhiều nguy cơ cho giống nòi.
“Hiện chúng ta đang phát triển du lịch, nhập tàu cũ về phá dỡ sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tôi kiên quyết kính đề nghị QH cấm hoàn toàn việc nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ”- ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) nói.
Trong khi đó ĐB Lê Việt Trường (An Giang) lại đề nghị, nên cân nhắc có nên cấm nhập tàu cũ không bởi trong điều kiện nước ta còn nghèo, việc phá dỡ tàu cũng tạo công ăn việc làm cho một nhóm người nhất định. Hơn nữa, rất nhiều linh kiện trong nước chưa sản xuất được.