20 năm qua, rằm tháng Giêng là ngày dành riêng cho thơ. Năm nay cũng vậy, Ngày thơ Việt Nam trở lại sau một quãng thời gian dài vắng bóng vì dịch bệnh. Nhưng, “vắng bóng” mà không “nghỉ ngơi”, thơ ca vẫn có trong cuộc sống, với tất cả những cung bậc vui buồn.
Trước Ngày thơ năm nay không bao lâu, thiên hạ được một dịp giật mình vì sự xuất hiện “từ trên trời rơi xuống” của một “nhà thơ thế giới”. Đó là trường hợp vinh danh một nữ “nhà thơ” ít người nghe tên, tại một sự kiện với hàng loạt chức danh không tưởng, như Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật cấp cao của Liên đoàn các nhà thơ thế giới; Đại sứ trọn đời của Liên đoàn các nhà thơ thế giới; Phó Chủ tịch Hội đồng những người bảo vệ các nhà thơ thế giới...
Hóa ra, thơ ca vẫn là cái bả hư danh khiến không ít người “tự chôn” mình trong đó.
Trong cuộc đời, hầu như ai cũng đã một lần làm thơ, cho dù không bao giờ xuất bản, phổ biến đi chăng nữa. Danh tiếng đúng là thứ ai cũng muốn nhưng vì nó mà bất chấp thì đó là một thói xấu cần phải được giấu kỹ để thiên hạ khỏi chê cười.
Ngày thơ Việt Nam năm nay với chủ đề “Nhịp điệu mới” được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long hôm 4 và 5/2. Còn trên phạm vi cả nước, nhiều tỉnh, thành cũng tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu. Thơ được tôn vinh, hình ảnh các nhà thơ được trang trọng giới thiệu.
Sau Ngày thơ, chúng ta lại trở về với nhịp sống hàng ngày với những lo toan tất bật. Phải chăng vì thế mà càng ngày thơ càng lặng lẽ ẩn náu trong một vị trí nhỏ, một “góc thơ” thật khiêm tốn. Nhưng chúng ta vẫn mơ ước “trăng khuyết rồi lại tròn”, một ngày nào đó thơ ca lại “trỗi dậy”, người làm thơ lại lấp lánh hào quang. Vì rằng, chúng ta vẫn ôm ấp giấc mộng văn chương Việt Nam phải đoạt giải Nobel.
Nói vậy để thấy, theo một cách nào đó, thơ ở Việt Nam vẫn tồn tại bất chấp nó có đang trong “mùa trăng khuyết”. Ngày thơ rằm tháng Giêng đã đi qua nhưng cũng không vì thế thơ lại bị quên lãng, trái lại nó hun đúc tình yêu thơ ca, khát vọng sáng tác văn chương trong mỗi một con người cho dù “cơm áo không đùa với khách thơ” như nhà thơ Xuân Diệu từng than thở.
Trong dịp Ngày thơ năm nay, đáng chú ý tại TP Hồ Chí Minh có hội thảo “Trong dòng thơ giữa phố”. Nhiều người nói vui rằng, đó là dòng thơ “nhập thế”, không vẩn vơ tơ tưởng mà gần với suy tư của mỗi một con người hôm nay. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, để thơ “tái chiếm” tình cảm thân thương của bạn đọc thì trước hết cần chinh phục được lớp trẻ. Nói một cách văn vẻ là thơ cần từ các trang sách giáo khoa bước xuống sân trường.
Thực tế thì thơ có cách tồn tại riêng của nó. Không ồn ào, không trình diễn mà là những câu chữ chạm tới trái tim. Để trong một đêm đông giá rét, trong một ngã rẽ cuộc đời người ta lại thì thầm một câu thơ như tự nhủ lòng mình. Nói như ai đó có nghĩa là vịn vào câu thơ để đứng dậy.