Không phải cứ đưa 'Hậu duệ của Mặt Trời' vào đề thi là đổi mới

Cẩm Anh 25/04/2016 10:01

Đổi mới đề thi không phải là những đề mở quá đà. Đổi mới thi cử là để kéo theo đổi mới phương pháp dạy và học. Nghĩa là đề thi phải phù hợp để đổi mới tư duy dạy và học chứ không phải là đưa vài vấn đề đang nóng ngoài xã hội hay vài tên tuổi của giới giải trí rồi bảo là đổi mới.

Không phải cứ đưa 'Hậu duệ của Mặt Trời' vào đề thi là đổi mới

Những đoạn trích đưa ra cho các em bình luận
trước hết phải có giá trị văn chương, có chuẩn mực về ngôn ngữ.

Đã có một thời chúng ta phê phán sự cũ kỹ, khô cứng và xa rời đời sống của những tác phẩm đưa vào giảng dạy trong trường học. Bởi vậy việc những đề thi văn ngày càng mở, những bài giảng ngày càng gần gũi cuộc đời hơn là một xu hướng đúng. Nhưng đổi mới đề thi nằm trong lộ trình đổi mới giáo dục không phải là một trò chơi trên truyền hình để đưa những “Hậu duệ của Mặt Trời”, “Bà Tưng”, Sơn Tùng M-TP... vào đó rồi gọi là đổi mới.

Đưa “Hậu duệ của Mặt Trời” vào đề thi không phải là cú “mở” đầu tiên khiến dư luận xôn xao. Mấy năm trước, “bà Tưng” từng xuất hiện trong 1 đề thi học sinh giỏi. Năm 2015, Sơn Tùng M-TP từng xuất hiện trong một đề thi hoá học.

Vài năm trước nữa hẳn trong đề thi tuyển sinh đại học, người ta cho các em bình luận một câu phán xét của anh chàng Việt kiều Trần Hùng về tính cách người Việt trong cuốn “John đi tìm Hùng”...

Cụ thể, là trong đề thi môn ngữ văn của kì thi tuyển sinh đại học năm 2013, thí sinh được yêu cần bình luận đoạn trích: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường.

Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”, trong cuốn “John đi tìm Hùng” - một cuốn sách thuộc loại “xách ba lô lên và đi” vốn đang sốt vào thời điểm ấy, được giới trẻ thích du lịch, tôn thờ chủ nghĩa xê dịch, hào hứng tìm đọc. Đó là nhận định của một chàng trai Việt kiều trên đường đi “phượt” suốt dọc Việt Nam với không một xu dính túi.

Việc câu nói ấy xuất hiện trong một cuốn sách là chuyện bình thường. Nhưng việc đem câu nói ấy vào một cuộc thi tầm cỡ quốc gia lại là chuyện khác. Dù đề thi có khuyến khích thí sinh có thể đồng tình có thể không, việc để học sinh mới 17, 18 tuổi phải suy nghĩ thấu đáo về ý kiến đó là quá sức. Đưa ra một nhận định về tính cách dân tộc, e rằng bản thân các nhà nghiên cứu cũng còn tranh luận mệt mỏi.

Nhưng so với đề thi môn ngữ văn năm 2013 ấy, những đề thi chả cứ môn ngữ văn gần đây đang ngày càng mở quá đà.Chúng ta phê phán sự cũ kỹ, khô cứng và xa rời đời sống của những tác phẩm đưa vào giảng dạy trong trường học.

Chúng ta ủng hộ những đề thi văn ngày càng mở, những bài giảng ngày càng gần gũi cuộc đời hơn. Nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch thì dù “mở” hay “khép”, nhà trường vẫn phải là pháo đài của sự chuẩn mực. Chỉ dạy cho các em những giá trị nhân văn, chuẩn mực đạo đức và tinh thần thời đại đã đạt tới sự thống nhất đánh giá trong xã hội.

Việc đưa những sự kiện nóng hổi của đời sống vừa mới xảy ra vào đề thi là hay. Nhưng sự liên hệ tới sự kiện phải đặt trong một bối cảnh văn học. Những đoạn trích đưa ra cho các em bình luận trước hết phải có giá trị văn chương, có chuẩn mực về ngôn ngữ.

Chưa kể rằng đổi mới thi cử không phải là đưa vào đề thi những tên tuổi đang hot ngoài xã hội. Bởi vì qui luật của thời hiện đại cho thấy một sự kiện rất dễ dàng nổi rồi lại dễ dàng chìm. Nếu chúng ta chạy theo đề thi mà nghĩ là cho thời thượng, cho phù hợp với thị hiếu các em thì tức là giáo dục đã không còn giữ được vai trò định hướng thẩm mĩ.

Nhạc sĩ Trần Lập có thể là một cái tên cực hot trong thời gian anh qua đời, nhưng coi đó như là một biểu tượng của thời đại thì lại chưa phải. “Hậu duệ của Mặt Trời” hấp dẫn giới trẻ nhưng nó là một bộ phim ăn khách theo trào lưu, vài bữa nữa người ta lại quên khi có bộ phim khác xuất hiện, can cớ gì phải đưa vào đề thi.

Đổi mới đề thi không phải là những đề mở quá đà. Đổi mới thi cử là để kéo theo đổi mới phương pháp dạy và học. Nghĩa là đề thi phải phù hợp để đổi mới tư duy dạy và học chứ không phải là đưa vài vấn đề đang nóng ngoài xã hội hay vài tên tuổi của giới giải trí rồi bảo là đổi mới.

Môi trường giáo dục nếu không nghiêm cẩn và chuẩn mực, sẽ vô cùng nguy hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không phải cứ đưa 'Hậu duệ của Mặt Trời' vào đề thi là đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO