Theo quy định tại Nghị định 139, không cho phép "phạt cho tồn tại", các công trình xây dựng sai phạm như xây vượt tầng, xây không phép, sai thiết kế kỹ thuật... thì phải đập bỏ phần xây sai, xây không phép thì thậm chí phải phá hủy công trình.
Tránh việc "phạt cho tồn tại"
Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây ghi nhận số người thương vong lớn nhất trong vòng 21 năm qua với 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Đáng nói, chung cư mini trên được xây dựng sai phép. Thay vì chỉ được xây 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật như trong giấy phép đã quy định, thì tòa nhà này được chồng thêm 3 tầng. Chính quyền địa phương đã có văn bản yêu cầu cưỡng chế nhưng thực tế, mấy năm sau cưỡng chế, chung cư mini này "vẫn y nguyên".
Không ít câu hỏi đặt ra về tính nghiêm minh trong các quyết định xử phạt vi phạm xây dựng này. Bởi theo quy định tại Nghị định 139, từ ngày 1/1/2018, không cho phép "phạt cho tồn tại". Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định.
Tất cả công trình xây dựng sai phạm như xây vượt tầng, xây không phép, sai thiết kế kỹ thuật... đều phải được xử lý theo đúng quy định. Điều này có nghĩa là công trình nào xây sai thì phải đập bỏ phần xây sai, xây không phép thì thậm chí phải phá hủy công trình.
Theo quan điểm của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), sự cố sẽ khó có thể xảy ra nếu như ngay từ đầu, chủ chung cư mini tuân thủ đúng quy định, xây dựng chung cư mini đúng theo phê duyệt, với số tầng phù hợp, có thang thoát hiểm, sau khi đưa vào vận hành thực hiện bảo trì bảo dưỡng thường xuyên, trang bị đúng và đầy đủ các biện pháp phòng cháy chữa cháy.
Cho dù có xảy ra đi chăng nữa, hậu quả cũng sẽ được kiểm soát. Nếu như cơ quan chức năng làm việc đúng chức trách, sau khi phát hiện ra sai phạm, xử lý một cách triệt để. Nếu như công tác quản lý chung cư mini được tiến hành một cách thường xuyên và chặt chẽ, thì có lẽ sẽ không có tòa chung cư mini không đạt chuẩn nào được vận hành.
Không phải, cứ có đất, có tiền là có thể xây chung cư mini để bán
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, việc vận hành, khai thác các chung cư mini cần được đảm bảo an toàn. Thứ nhất, cần có thêm các quy định yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về việc đầu tư, xây dựng chung cư mini; tránh phê duyệt các chung cư mini có vị trí sâu trong ngõ, khó tiếp cận.
Tương tự, các dự án nhà ở khác, chung cư mini cũng cần có những quy định tối thiểu về hạ tầng xung quanh. Và "năng lực, trách nhiệm" của người chủ chung cư mini cũng phải được quy định rõ. "Không phải, cứ có đất, có tiền là có thể xây chung cư mini để bán hay cho thuê", ông Đính nhấn mạnh.
Thứ hai, việc kiểm soát xây dựng, vận hành chung cư mini phải được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên. Đảm bảo chung cư mini hoàn thành đúng với tiêu chuẩn như phê duyệt. Trong quá trình vận hành, công trình cần thường xuyên được bảo trì, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy...
Ngoài ra, ông lưu ý người dân trước khi quyết định mua chung cư mini cần xem xét kỹ hồ sơ pháp lý như: Có giấy phép xây dựng do cơ quan chức năng cấp, xây dựng đúng theo bản vẽ thiết kế, đúng số tầng và mật độ xây dựng như trên bản vẽ đã cấp và có phê duyệt an toàn phòng cháy chữa cháy do cơ quan Công an thẩm định và cấp phép.
Đặc biệt, ông cho rằng chung cư mini chỉ là một "phát súng". Ngoài chung cư mini ra, rất có thể còn có nhiều "phát súng" khác sẵn sàng phát nổ khi gặp điều kiện thích hợp. Chính vì vậy, thay vì đi vào xử lý khi "việc đã rồi".
Ở một góc độ rộng hơn, sâu xa hơn, thì việc giải quyết vấn đề về "chốn ở" cho phần đông người dân chính là vấn đề mấu chốt. Chính vì thế, tìm được một căn nhà phù hợp với khả năng tài chính, để ổn định cuộc sống là điều mà bất cứ người dân nào cũng mong muốn.
"Khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân chính là chìa khóa, là mấu chốt để có thể giải quyết được triệt để các vấn đề. Để có thể cải thiện nguồn cung các loại sản phẩm này, rất cần thêm các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư phát triển phân khúc này", ông nhấn mạnh.