Ngày 26/7, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại hội trường, ngày 26/7.
Nêu lên những hạn chế trong việc xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định trong một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống, vẫn mang tính nguyên tắc chung, nên hiệu quả điều chỉnh, tính khả thi chưa cao, cá biệt có văn bản vẫn còn sai sót phải lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi, một số dự án luật trình Quốc hội, UBTVQH không bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Nguyên nhân theo ông Định là do vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình xây dựng pháp luật trong nhiều trường hợp chưa được thể hiện và phát huy tối đa, nhất là trong công tác soạn thảo, công tác phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.
Trong nhiều trường hợp, việc thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa nghiêm, đánh giá tác động của dự án chưa thật sự khách quan, thiếu toàn diện dẫn đến phương án đưa ra nhiều trường hợp thiếu cơ sở. Việc gửi hồ sơ, tài liệu dự án đến các cơ quan của QH, ĐBQH còn chậm nên không đủ thời gian để nghiên cứu, thẩm tra, góp ý kiến.
Phân tích mổ xẻ những yếu kém trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, có một nguyên nhân “không mới” khi năm nào cũng nói đến 2 vấn đề đó là tiến độ chậm và không chắc chắn khi đưa vào rồi lại xin rút ra.
“Phải chăng do không ai chịu trách nhiệm hay việc lập chương trình chưa sát còn nể nang, thiếu cương quyết trong xây dựng luật. Vậy có nguyên nhân liên quan đến tài trợ không? Có tình trạng Bộ “ôm” nhiều luật do được các tổ chức nước ngoài tài trợ không?”- bà Thúy đặt câu hỏi, từ đó đề nghị QH cần đánh giá nghiêm túc hơn, kiên quyết không đưa vào thẩm tra các dự án chậm tiến độ.
Chính phủ phải tăng cường trách nhiệm ngay từ khâu xây dựng chương trình, chỉ trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh chương trình, và cần coi đây là tiêu chuẩn đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ, ngành.
Từ câu chuyện sai sót trong Bộ luật Hình sự khiến luật chưa đến thời điểm áp dụng đã phải tạm dừng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng cần xem xét, rút kinh nghiệm cách thức làm luật để huy động được trí tuệ của các ĐBQH.
Ông Cương đưa ra một thực tế khi nếu không phải là Ủy viên Ủy ban thẩm tra luật đó thì ít khi được tham gia mời dự họp để đóng góp ý kiến. Đến khi tổ chức hội nghị thì Ủy ban chủ trì chỉ mời 1 đại diện đi dự họp, trong khi nhiều người tâm huyết lại không có cơ hội tham gia góp ý kiến cho luật. “Nhiều khi xin tài liệu cũng không được, cơ hội tham gia góp ý chỉ trong kỳ họp.
Theo quy định phải gửi trước tài liệu cho ĐBQH 20 ngày nhưng gần đến ngày thảo luận mới gửi tài liệu thì thời gian đâu mà tham gia. Trong khi đó những thảo luận ở tổ của ĐBQH nhưng “không biết đi đâu hết? Ngay ý kiến góp ý của đoàn ĐBQH cũng không được tổng hợp tiếp thu cho nên nhiều đoàn cũng chán nản. Vì vậy cần cải tiến điều hành để làm sao huy động được trí tuệ của gần 500 ĐBQH thì chất lượng của luật mới được nâng lên”- ông Cương nói.