Trong tháng đầu năm (tháng 1/2020), Cảnh sát giao thông rầm rộ ra quân kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có khá nhiều tài xế đã bị phạt nặng, bị tước giấy phép lái xe có thời hạn.
Song, thời gian gần đây, do cả nước vào cuộc phòng chống dịch Covid-19, nên có vẻ như công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đang bị lơ là, buông lỏng. Cả lực lượng chức năng và người vi phạm đều kiếm cớ thoái thác rằng, kiểm tra nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19.
Trước thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam, mỗi ngày trên toàn quốc có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm người điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt hành chính do vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, hiện số người bị xử lý do vi phạm nồng độ cồn chỉ lác đác, có khi vài ngày, hàng tuần mới có trường hợp bị phạt. Hiện tượng trên có thể giải thích theo hai hướng: Người điều khiển phương tiện giao thông đã biết “sợ” Nghị định 100, hoặc lực lượng CSGT không còn quyết liệt kiểm tra, xử lý.
Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau phân tích cụ thể từng tình huống, ngõ hầu tìm ra được nguyên nhân đích thực khiến số lượng người vi phạm nồng độ cồn giảm. Khách quan mà nói, cũng có khá nhiều tài xế đã biết “chờn” quy định xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Nghị định 100. Song, không phải tất cả các lái xe hiện nay đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định không uống rượu bia khi lái xe. Điều đó đã được minh chứng rõ ràng bằng số vụ TNGT trong thời gian qua do nguyên nhân rượu bia có giảm nhưng chưa nhiều.
Thực tế nhiều lái xe vẫn uống rượu bia nhưng không bị phát hiện, xử lý, hoặc tìm mọi cách để “né” kiểm tra nồng độ cồn. Trường hợp lái xe vừa bị lực lượng CSGT (Công an TP Đà Nẵng) phạt 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 tháng vào ngày hôm qua (3/3) là một ví dụ điển hình. Tài xế này khi bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra đã tăng ga bỏ chạy một đoạn mới dừng lại, rồi “đổi lái” cho người phụ nữ ngồi bên cạnh. Tuy nhiên, hành vi trên đã bị lực lượng CSGT phát hiện, xử lý.
Hay như mới cách đây 2 ngày thôi, có trường hợp ngang nhiên thách thức CSGT, đe dọa phóng viên khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Một người đàn ông khi bị lực lượng CSGT quận 9 (TPHCM) yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn đã thẳng thừng thừa nhận có nồng độ cồn cứ xử lý chứ nhất quyết không chấp hành thổi vào máy. Lẽ tất nhiên, không phải vì người vi phạm không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn mà được bỏ qua. CSGT quận 9 đã lập biên bản vi phạm nồng độ cồn với hình thức cao nhất.
Chỉ nêu ra 2 ví dụ để thấy rằng, “giả thuyết” cho rằng người tham gia giao thông đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định cấm uống rượu bia khi lái xe vẫn “chông chênh”; khi mà vẫn có không ít người tham gia giao thông vẫn hồn nhiên uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện thì tại sao số người bị phát hiện, xử lý lại giảm? Điều đó chỉ có thể giải thích theo cách bao biện rằng, họ “may mắn” không bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Còn nếu có cách nhìn thực tế hơn một chút sẽ thấy thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã không còn quyết liệt kiểm tra nồng độ cồn như tháng đầu nữa.
Tất nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì mọi ưu tiên lúc này là chống dịch. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Cũng có một số người thi hành công vụ có tâm lý “sợ” nếu quá “hăng hái” kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện sẽ bị lây bệnh. Chẳng phải ngành y tế đã có khuyến cáo biện pháp đảm bảo an toàn cho cả người tham gia giao thông và lực lượng CSGT khi thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn đó sao? Nếu thực hiện đúng quy trình ngành y tế đưa ra thì đâu có gì phải lo?
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tất cả lực lượng CSGT trên toàn quốc đều buông lỏng việc kiểm tra, xử lý những lái xe vi phạm nồng độ cồn. Song, thẳng thắn mà nói, trên thực tế không ít địa phương có tâm lý lơ là với việc kiểm tra tra nồng độ cồn của những người tham gia giao thông.
Nguyên nhân sâu xa hơn chính là căn bệnh cố hữu lâu nay của một số cơ quan chức năng, không riêng gì lực lượng CSGT. Đó là khi một chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành thì “rầm rộ ra quân”, để rồi sau đó chìm dần vào quên lãng. Có thể lấy ngay ví dụ dẹp vỉa hè ở các thành phố trên toàn quốc, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM. Sau những đợt “quyết liệt” lập lại trật tự, thì sau đó chỉ “năm bữa, nửa tháng” là mọi việc đâu lại hoàn đấy, y nguyên như cũ không có gì thay đổi. Vậy nên hãy thẳng thắn nhìn vào sự thật và bản chất vấn đề, không nên kiếm cớ.