Sau hơn 1 tháng kiểm tra tại 9 địa phương được báo chí phản ánh có tình trạng “cả họ làm quan”, Bộ Nội vụ đã “điểm mặt” được 58 trường hợp có quan hệ họ hàng. Điều đáng nói cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý công chức chưa đưa ra giải pháp cụ thể chặn đứng tình trạng một người làm quan cả họ được nhờ gây bức xúc trong dư luận hiện nay.
Tranh minh họa.
Qua rà soát 60 trường hợp tại 9 tỉnh, có tới 58 trường hợp có quan hệ họ hàng, ruột thịt. Điều đáng nói, những trường hợp được tuyển dụng, bổ nhiệm, tại thời điểm được bổ nhiệm đều có sai phạm, nhẹ là thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước… Nặng thì không thực hiện trình tự tuyển dụng đồng thời không thực hiện trình tự bổ nhiệm theo quy định như trường hợp của ông Hồ Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế.
Quyền Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: “Việc tiếp nhận đối với ông Hà từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới về công tác tại UBND huyện không thực hiện trình tự, thủ tục tuyển dụng theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thời điểm bổ nhiệm, ông Hà không có bằng lý luận chính trị, không đủ thời gian giữ ngạch chuyên viên 3 năm trở lên và không có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định tại quyết định, đồng thời không thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm”…Như vậy những sai phạm trong việc bổ nhiệm người nhà như dư luận, báo chí phản ánh là đúng.
Trước những sai phạm trên, Bộ Nội vụ “đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm được phát hiện qua kiểm tra; rà soát điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu của các công chức, viên chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý theo kết quả kiểm tra lại tại biên bản làm việc giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan, đơn vị, xem xét theo thẩm quyền việc miễn nhiệm chức vụ đối với các trường hợp không đáp ứng quy định”… Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, Bộ sẽ hậu kiểm lại các đơn vị xem các đơn vị đã thực hiện đề nghị của Bộ đến đâu”, chứ chưa đưa ra hình thức xử lý cụ thể cho trường hợp nào.
Điều mà dư luận bức xúc đó là việc kiểm điểm trách nhiệm các địa phương có sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ thì trách nhiệm của người bổ nhiệm sai đến đâu? Trách nhiệm của chính ông quan khiến “cả họ được nhờ”kia thế nào chưa được đề cập đến. Bài học rút ra ở đây là gì? Bộ Nội vụ có giải pháp nào để chặn đứng tình trạng bổ nhiệm người nhà chứ không phải người tài ở nhiều địa phương hay không chưa hề có câu trả lời thích đáng.
Ai cũng biết, cán bộ là gốc của mọi việc. Chọn không đúng người hệ lụy là rất lớn. Bài học Trịnh Xuân Thanh còn đó. Việc bổ nhiệm người nhà chứ không phải người tài không chỉ mất cơ hội cho người tài giỏi mà nguy hại hơn khi lợi ích nhóm được hình thành từ những bè cánh được thành lập nó sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường.
“Phải rà soát sửa đổi ngay các thủ tục, quy trình bất hợp lý, sớm xóa bỏ tình trạng chạy chọt, tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà. Không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình nhưng lại bổ nhiệm người không xứng đáng, thực tế đó là những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm đạo đức, có sai phạm hoặc vi phạm pháp luật”… Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc làm việc với Bộ Nội vụ đầu năm 2017.
Ông cũng đề nghị “Bộ Nội vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm”. Rõ ràng, việc xử lý cán bộ sai phạm không chỉ chờ sự “tự phê bình” của chính đơn vị có sai phạm.
Vấn đề cần làm lúc này là cần quy định mang tính pháp lý để các quan không có cơ hội bổ nhiệm người nhà. Để ngăn chặn tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà, nhiều tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, UN, IFC trong bản kê khai lý lịch luôn có câu hỏi “Anh/chị có ai là họ hàng hiện đang làm việc tại tổ chức này?”. Họ hàng (relatives) được hiểu là vợ, con, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ/chồng, anh chị em, cháu… Nếu câu trả lời là có ứng viên sẽ không được nhận vào làm.
Ở Việt Nam trong thời Hậu Lê, Vua Lê Thánh Tông rồi sang nhà Nguyễn, Vua Minh Mạng cũng đã sử dụng một luật là Luật Hồi tỵ. Luật này quy định những điều cấm kỵ, như cấm bổ nhiệm con cháu, người ruột thịt trong địa bàn mà ông quan đó đứng đầu. Quy định chặt như vậy là để tránh duy tình, lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ.
Phải kiểm soát quyền lực, giao quyền đến đâu kiểm soát đến đấy “phải nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. Rõ ràng, phải có những chiếc barie, những quy định mang tính pháp lý để chặn đứng tình trạng nhiều cán bộ chủ chốt ở địa phương “độc diễn” khiến tình trạng “cả họ làm quan’’ không hề có dấu hiệu giảm.