Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông như một “nhát dao chém vào niềm tin của nhân dân”- đó là phát biểu của ĐBQH Thuận Hữu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại nghị trường QH hôm 8/6. Và muốn lấy lại niềm tin của người dân thì không còn cách nào khác nó phải được về đích chứ không thể chậm tiến độ mãi như vậy.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhiều lần lỡ hẹn.
Tại nghị trường QH, ĐB Thuận Hữu bày tỏ: “Nhức nhối nhất, người dân nhìn thấy, một điển hình được gọi là kỳ tích thế giới là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Chúng ta đầu tư rất nhiều, mất nhiều tiền, mất nhiều thời gian, nhưng đến giờ không biết bao giờ sử dụng. Người ta nói cũng gần xong rồi, chỉ còn chạy thử nữa thôi mà giờ mắc mớ đủ thứ. Vừa rồi họ đòi thêm 50 triệu USD, rồi nhiều chuyện. Nhát dao đó chém vào lòng tin của dân. Dự án đó nếu không xử lý nhanh thì sẽ biến thành bảo tàng đường sắt, kêu gọi khách đến tham quan, du lịch. Cứ để thế rất đau khổ. Dân bức xúc ghê gớm lắm, tiền nhiều như thế, mà cứ đội vốn liên tục thế!”.
Nỗi lòng của ĐBQH cũng là nỗi lòng của người dân. Dư luận đã nhiều lần thể hiện sự bức xúc về dự án này, đặc biệt là mỗi khi cơ quan hữu trách cung cấp thông tin về tiến độ và hiện trạng của nó. Bức xúc đến mệt mỏi, như đang chờ đợi điều gì đó trong vô vọng, bởi không biết bao lần người dân Hà Nội được hứa về thời điểm “về đích” của tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên của Thủ đô kể từ thời đổi mới như rút cục nó vẫn cứ ỳ ra thách thức dư luận.
Cụ thể, từ tháng 10/2011 khi dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông -Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu khởi công, theo kế hoạch mà chủ đầu tư đưa ra thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2014. Từ tháng 10/2014 - 6/2015, sẽ tổ chức chạy thử và chính thức khai thác từ ngày 30/6/2015. Tuy nhiên, kế hoạch bị đổ bể, tiếp theo đó dự án bị đội vốn và tổng số tiền đầu tư lên tới 868 triệu USD và trải qua “n”… lần hứa sẽ cho vận hành thương mại, nhưng rốt cuộc vẫn chưa thấy đâu.
Chậm tiến độ cả thập kỷ, vốn đầu tư 868 triệu USD, tính theo km thì gấp 4 lần. Con số này khi ấy chưa kể 98,35 triệu USD mà Hà Nội sẽ phải bỏ ra để...vận hành. Chưa tính đến 50 triệu USD mà nhà thầu Trung Quốc vừa yêu cầu chúng ta tiếp tục phải chi. Còn hiệu quả dự án, tháng 12 năm ngoái, Tổng thầu Trung Quốc cho biết dù chưa hoạt động, song toàn bộ các thiết bị điện trong nhà ga, đường ray phải chi phí với 100 triệu đồng mỗi ngày. Chưa kể khoảng 50 tỷ đồng tiền lương và các chi phí khác cho khoảng 2.000 cán bộ Trung Quốc và Việt Nam đang làm dự án. Chưa hết, vẫn còn cần chi 4,5 tỷ đồng mỗi năm để kích cầu giá vé rồi chưa hề tính khoản lãi mẹ lãi con phải trả mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ đồng…
Chỉ có hơn 13km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD (phần lớn vay ODA của Trung Quốc), rồi điều chỉnh tổng mức đầu tư và chưa dừng lại ở con số này. 10 năm xây dựng, nếu kể từ thời điểm ký kết thì đã 12 năm, tiền vay phải trả lãi, đội vốn lại phải vay thêm... Chậm tiến độ, đội vốn, làm tổn hại niềm tin của công chúng, dự án Cát Linh - Hà Đông quả thật đã khiến người ta không khỏi ngao ngán và thất vọng.
Còn nhớ, tháng 6/2019, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng một trong những nguyên nhân gây chậm trễ là do tổng thầu chưa phải là đơn vị chuyên nghiệp, không có đầy đủ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể. Rút cục dự án vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Vậy cho đến giờ phút này còn những vướng mắc gì mà tuyến đường này chưa thể về đích? Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện 12/13 chứng chỉ an toàn của dự án đã được tư vấn Pháp chứng nhận, chỉ còn 1 chứng chỉ cuối cùng thì phải dựa vào kết quả chạy thử nghiệm, mà hiện còn phải chờ chuyên gia Trung Quốc sang. Hà Nội cũng mong dự án về đích sớm vì, “tất cả những vốn liếng của dự án, Hà Nội là người nhận nợ để trả, nên khai thác được sớm ngày nào thì lợi cho Hà Nội ngày đó”.
Do vậy, mốc thời gian về đích được đưa ra là khoảng tháng 10 tới bằng việc Hà Nội đã làm việc với Bộ GTVT để có 1 tổ công tác liên ngành, do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm tổ trưởng. Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ GTVT để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ giải quyết. Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng cho biết thêm, qua làm việc với Hà Nội, Thủ tướng có giao cho Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội đưa dự án vào vận hành trong năm nay.
Người dân không thể chờ đợi lâu hơn được nữa do vậy Chính phủ, các bộ, ngành vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ, cùng nhìn về một hướng để xử lý dứt điểm dự án này. Bởi không chỉ càng kéo dài, càng thiệt hại về kinh tế mà quan trọng chính là niềm tin của nhân dân. Đừng để dân mất niềm tin, bởi, niềm tin đã mất rất khó để lấy lại.