Sự xuất hiện của các biến thể mới với khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt là biến thể Delta đang đe dọa nỗ lực của nhiều nước, trong đó có cả những quốc gia được xem là đã kiểm soát được dịch bệnh.
Biến chủng Delta đang trên đường trở thành chủng “thống trị toàn cầu” và phá hỏng kế hoạch tiêm chủng toàn dân của nhiều nước.
Hoành hành ở nhiều nơi
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đầu tháng 6 nhận định, biến chủng Delta có liên quan đến gần 10% các ca mắc Covid-19 ở nước này. Đến nay, các chuyên gia nhận định con số đã lên đến khoảng 20,6%, tăng gấp đôi sau 2 tuần. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci hôm 24/6 cảnh báo, nếu không tận dụng được những công cụ sẵn có, trong đó có vaccine, biến chủng Delta sẽ càn quét nước Mỹ giống như những gì xảy ra ở Anh.
Ngày 24/6, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, biến thể Delta hiện đang chiếm đến 9-10% số các ca mắc mới bệnh Covid-19 tại nước này.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết số ca nhiễm biến thể Delta chiếm 2-4% số ca bệnh tại Pháp. Những số liệu cập nhật này cho thấy biến thể Delta đang lây lan nhanh ở Pháp.
Theo ông Attal, hiện Pháp cũng đã bổ sung Nga vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm cao cùng với Namibia và Seychelles.
Cùng ngày, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel nhận định đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc vì các ca bệnh nhiễm biến thể Delta đang gia tăng. Do vậy, các chuyên gia nước này cần đánh giá chính xác và thận trọng tình hình để không mạo hiểm với những kết quả chống dịch đã đạt được.
Lực lượng chuyên trách chống Covid-19 của Nga ngày 24/6 cho biết, nước này đã ghi nhận 548 ca tử vong trong 24 giờ qua - mức cao nhất được xác nhận trong một ngày kể từ tháng 2, với 88 ca ở Moscow và 93 ca ở St Petersburg - kỷ lục ở cả hai thành phố. Ngày 23/6, Nga cũng ghi nhận thêm 17.594 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 5,3 triệu người.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là 90% ca nhiễm mới được phát hiện tại Moscow liên quan tới biến chủng Delta dễ lây lan hơn, theo Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin. Hệ thống y tế tại thủ đô của Nga hiện đã hoạt động “gần hết công suất”.
Giới chức Nga liên tục đưa ra cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Đề cập tới sự gia tăng ca nhiễm ở tất cả khu vực của Nga, Phó Thủ tướng Tatiana Golikova kêu gọi các biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn và đẩy nhanh việc tiêm chủng. Các nhà chức trách Nga đã tăng cường các biện pháp nhằm khuyến khích những người dân còn hoài nghi về vaccine Covid-19 đi tiêm chủng.
Trong khi đó, ở Trung Đông, Chính phủ Israel đã cho phép giới chức y tế nước này tiến hành cách ly bất kỳ ai được cho là tiếp xúc gần với những người nhiễm biến thể Delta, ngay cả khi họ đã được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh.
Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Naftali Bennett đã nêu nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch mới ở Israel là do biến thể Delta. Số ca nhiễm mới theo ngày tại Israel đang gia tăng sau nhiều tuần ở mức thấp nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nước này.
Tìm phương án “bắt bài” biến chủng
Cơ quan kiểm soát dịch bệnh châu Âu - ECDC vừa phát cảnh báo cho biết, đến cuối tháng 8/2021, virus biến thể Delta sẽ chiếm đến 90% tổng số ca nhiễm mới tại châu Âu và các nước có nguy cơ đối mặt với một làn sóng dịch mới.
Lời cảnh báo được Giám đốc Cơ quan kiểm soát dịch bệnh châu Âu - ECDC, bà Andrea Ammon đưa ra trong bối cảnh biến thể virus Delta đang có dấu hiệu làm tăng rất nhanh số ca mắc Covid-19 mới tại nhiều nước châu Âu. Hiện, tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại Anh, khi hàng ngày nước này ghi nhận khoảng trên 11.000 ca mắc mới, trong đó, trên 90% là do biến thể virus Delta.
“Điều không may là các số liệu ban đầu cho thấy, biến thể virus Delta có thể nhiễm bệnh cho những người mới được tiêm một mũi vaccine. Do đó, rất nhiều khả năng là biến thể virus Delta sẽ lây lan mạnh trong mùa Hè năm nay, đặc biệt, trong nhóm những người trẻ tuổi chưa tiêm vaccine”, bà Andrea Ammon nhận định.
Ngoài các đối tượng trẻ tuổi ít quan tâm đến việc tiêm vaccine, theo số liệu của ECDC, hiện, vẫn đang có khoảng 30% người trên 80 tuổi và 40% người trên 60 tuổi tại châu Âu chưa tiêm đủ hai mũi vaccine và các đối tượng này sẽ tiếp tục bị đe dọa bởi biến thể virus.
“Hãy tiêm vaccine và đừng chờ đợi” là thông điệp được giới chức y tế nhiều nước và các chuyên gia đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã vượt 180 triệu người.
Các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) đã thực hiện cuộc nghiên cứu để kiểm tra khả năng của các kháng thể trong máu của những người được tiêm vaccine theo phác đồ 2 mũi. Mục tiêu của cuộc nghiên cứu nhằm xác định liệu vaccine có thể vô hiệu hóa các biến chủng Delta và Kappa vốn rất dễ lây lan hay không.
Các nhà nghiên cứu Oxford cũng phân tích khả năng tái nhiễm ở những người đã từng mắc Covid-19. Nguy cơ tái nhiễm với biến thể Delta đặc biệt cao ở những người từng bị nhiễm biến chủng Beta và Gamma - 2 biến chủng xuất hiện ở Nam Phi và Brazil trước đó.
Cùng với đó, hãng dược AstraZeneca ngày 22/6 dẫn nghiên cứu của Đại học Oxford được công bố trên tạp chí khoa học Cell cho thấy vaccine Covid-19 của AstraZeneca có khả năng bảo vệ người tiêm trước cả hai biến chủng Delta và Kappa.
Tuần trước, dữ liệu phân tích của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cũng đã cho thấy, vaccine Covid-19 do Pfizer và AstraZeneca sản xuất có thể giảm hơn 90% nguy cơ nhập viện do biến chủng Delta. Theo đại diện của AstraZeneca, kết quả nghiên cứu đã mở ra hy vọng rằng ngay cả khi biến chủng Delta tiếp tục lan rộng, vaccine của AstraZeneca vẫn bảo vệ người dân khắp thế giới, đặc biệt ở Ấn Độ - nơi đầu tiên ghi nhận biến chủng. Ấn Độ cũng là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, với hơn 1.000 ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày.
Ngày 23/6, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu vật lý và hóa học (RIKEN) ở thành phố Kobe của Nhật Bản đã công bố kết quả đánh giá xác suất nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 cao hơn nhiều lần so với chủng gốc. Kết quả phân tích được siêu máy tính “Tomitake” thực hiện cho thấy, xác suất nhiễm biến thể Delta (B.1.617.2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) cao gấp 2,5 lần so với virus SARS-CoV-2 chủng gốc.