Theo kế hoạch được phê duyệt, tháng 4/2021 bắt đầu đưa vào khai thác, vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Tuy nhiên thời gian đã “chốt” vẫn khiến dư luận băn khoăn, thậm chí nhiều ý kiến gay gắt cho rằng không thể chờ thêm.
Ngày 20/10, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt dấu mốc tiến độ mới khi tiếp nhận đoàn tàu đầu tiên để đưa vào lắp ráp, thử nghiệm.
Đoàn tàu đầu tiên từ Pháp đã về đến cảng Hải Phòng, sau đó được xe chuyên dụng “cõng” về Depot Nhổn trước sự háo hức mong đợi của nhiều người dân Thủ đô.
Đây là đoàn tàu đầu tiên trong số 10 đoàn tàu được chế tạo theo quy mô đầu tư của dự án, 9 đoàn còn lại đang được chế tạo tại Pháp và từ đầu năm 2021 bắt đầu đưa về.
Trước đó, cuối tháng 8/2020, dự án đã thử nghiệm đóng điện không tải từ trạm Mỹ Đình đến ga S5 Lê Đức Thọ. Đây cũng là dấu mốc quan trọng để cấp điện cho toàn bộ dự án.
Đến hết tháng 9/2020, toàn dự án đạt gần 65% tiến độ, riêng tiến độ thi công và lắp đặt thiết bị đoạn trên cao đạt xấp xỉ 80%.
Theo tiến độ điều chỉnh mới nhất được UBND TP Hà Nội phê duyệt, tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội sẽ vận hành trước đoạn 8,5k m trên cao vào tháng 4/2021 và 4 km ngầm còn lại vào cuối năm 2022.
Nhưng phía MRB cũng cho biết, dự kiến đến nửa cuối năm 2021 mới có thể khai thác thương mại đoạn trên cao, từ Nhổn - ga S8 (Đại học Giao thông vận tải , Cầu Giấy).
Việc lùi tiến độ so với dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song cũng do còn rất nhiều công việc khác cần phải hoàn thành như đào tạo nhân lực, hoàn thành gói thầu lắp đặt thẻ vé, vận hành thử, đánh giá an toàn hệ thống, giấy chứng nhận lái tàu...
Đáng chú ý, việc đào tạo nhân lực được chia thành 2 giai đoạn chính, gồm đào tạo cơ bản tại cơ sở đào tạo trong nước, trong thời gian 19-153 ngày (5 tháng, tùy theo vị trí công việc) và đào tạo chuyển giao công nghệ (nhà thầu thực hiện), trong đó một số học viên lái tàu và vận hành được đưa sang Pháp để đào tạo (sau đó đào tạo lại cho học viên khác)...
Như vậy, câu hỏi đặt ra là đến khi nào người dân được thụ hưởng loại hình vận tải đường sắt đô thị? Trong khi lại thêm tuyến mới vừa được đề xuất như Dự án tuyến Văn Cao- Hoà Lạc.
Giới chuyên gia giao thông cho rằng, hiện Hà Nội mới chỉ đang triển khai 3 tuyến đường sắt đô thị nhưng đều thất bại so với kế hoạch đề ra, trong khi chưa có tổng kết, đánh giá thực tiễn.
Việc chưa có tuyến nào hoàn thành, khai thác để đánh giá hiệu quả đầu tư mà đã xây dựng thêm tuyến khác sẽ khiến dư luận lo ngại về việc lãng phí nguồn lực.