Không thể để 'lương chạy theo giá'

H.Vũ (thực hiện) 01/07/2023 08:00

Trước thời điểm lương tăng (ngày 1/7) đã có một số hàng hóa có dấu hiệu tăng giá. Làm sao để “lương không chạy theo giá”, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính: Cần các giải pháp kìm chế để giá cả không tăng. Có như vậy việc tăng lương mới có ý nghĩa.

PV: Thưa ông khi lương cơ sở chưa tăng, thì trước đó đã có tình trạng giá một số hàng hóa tăng nhẹ, trong đó có giá điện. Ông đánh giá thế nào về câu chuyện “lương và giá”?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Giá điện và giá một số dịch vụ công tăng là không thể tránh được. Bởi 3 năm nay, theo yêu cầu của Chính phủ thì các dịch vụ công không được phép tăng giá để giúp người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn bị dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế. Vì thế, đã đến giai đoạn một số dịch vụ cần phải tăng giá. Chưa kể, giá đầu vào tăng trong khi cứ khống chế giá đầu ra không tăng thì không thể được.

Việc tăng lương cơ sở từ 1/7 là việc có ý nghĩa lớn. Nó làm cho một lượng lớn tiền tệ ra thị trường. Cho nên đây là vấn đề cần quan tâm. Nếu không, tăng lương xong lại tăng giá thì không giải quyết được vấn đề gì, không có ý nghĩa gì. Vì thế Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) phải vào cuộc kiểm tra, giám sát đầu vào của các doanh nghiệp, cũng như đầu ra của sản phẩm hàng hóa.

Đặc biệt hàng hóa nào tăng giá trong thời gian gần vào thời điểm tăng lương (trước và sau khi lương tăng) thì cần phải đặc biệt lưu tâm quản lý chặt chẽ. Tất nhiên tăng giá điện, nước thì giá của một số sản phẩm hàng hoá cũng phải tăng nhưng tăng rất ít, không đáng kể. Còn nếu chúng ta không quản lý giá các loại hàng hóa khác, nó sẽ tăng lên 5-7% ngay. Do đó, cần phải kiểm soát tình trạng “giá chạy theo lương”.

Hiện đời sống của người dân và doanh nghiệp đang rất khó khăn. Với mức tăng trưởng thấp (3,32%), nếu chúng ta không quản lý giá sẽ gây ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thưa ông?

- Đúng vậy, ở đây có mấy vấn đề. Một là chúng ta có hàng loạt chính sách tài khóa tiền tệ, giảm 2% thuế VAT cho rất nhiều các loại hàng hóa. Điều này có ý nghĩa giúp cho giá đầu vào của sản xuất cũng như đầu ra của sản phẩm giảm đi. Như vậy, sẽ góp phần làm giảm giá của các hàng hóa và từ đó giảm lạm phát. Nếu chúng ta không quản lý giám sát chặt chẽ thì chỉ cần sản phẩm vẫn bán với giá cũ thôi, chính sách giảm thuế VAT cũng không còn có ý nghĩa. Bởi vậy, việc quản lý chặt chẽ giá cả đầu vào, đầu ra vừa góp phần thực hiện chính sách về miễn giảm thuế hiệu quả, còn góp phần giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Tất cả các yếu tố đó sẽ kéo giảm mặt bằng giá xuống. Vì chi phí sử dụng vốn giảm thì giá thành sản xuất sẽ giảm.

Ông vừa đề cập đến thuế VAT, từ 1/7/2023 thuế VAT sẽ giảm thêm 2%. Liệu đây có phải là cách giúp giảm giá sau tăng lương?

- Ngày 24/6, Quốc hội quyết định giảm thuế VAT thêm 2% là cực kỳ có ý nghĩa. Nhất là thời gian thực hiện cùng với thời điểm tăng lương cơ sở (1/7/2023). Khi giảm thuế VAT thì mặt bằng giá cả của hầu hết các loại hàng hóa sẽ được kéo giảm. Như vậy giá hàng hóa giảm trong khi lương lại được điều chỉnh tăng. Cả hai yếu tố này đến cùng một thời điểm sẽ có tác động “kép” kích cầu tiêu dùng. Khi kích cầu tiêu dùng mạnh thì rõ ràng sản xuất kinh doanh ra đến đâu bán được đến đó, dứt khoát vòng quay của sản xuất kinh doanh sẽ trôi chảy. Giảm thuế VAT sẽ là điều kiện cực kỳ quan trọng để kích thích sản xuất tăng trưởng và phát triển bứt phá trong 6 tháng cuối năm.

Chúng ta tăng lương cơ sở vào đầu quý III. Còn theo quy luật, giá cả thường hay tăng vào quý IV, thưa ông?

- Điều đó bắt buộc chúng ta phải quản lý và giám sát giá thật tốt. Chuyện quý IV tăng giá có nhiều lý do. Thứ nhất, đây là quý mà các doanh nghiệp mua hàng hoá, nguyên, nhiên vật liệu để dự trữ cho sản xuất cuối năm cũng như các hàng hoá dịch vụ cho đầu năm mới. Cho nên giá hàng hóa sản xuất kinh doanh tăng. Thứ hai, khi giá đầu vào tăng thì giá đầu ra cũng sẽ tăng. Thêm nữa các gia đình có thói quen chi tiêu mạnh vào dịp cuối năm và dịp Tết, tức là quý IV của năm trước và đầu quý I năm sau. Vì thế chúng ta cần phải quan tâm, kiểm soát tốt tránh để tăng giá vào thời kỳ cao điểm này.

Thưa ông, để giá không “nhảy vọt” sau tăng lương cơ sở, có lẽ cần sự giám sát rất chặt chẽ gắn với trách nhiệm của các cơ quan hữu quan?

- Giám sát giá cả là nhiệm vụ chủ yếu của Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý giá. Nhưng đồng thời đây cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Các phường, xã; quận, huyện là nơi trực tiếp quản lý hàng hóa đến với người dân ngay trên địa bàn của mình. Lực lượng quản lý thị trường, quản lý giá đã quản lý giá cả của sản xuất đầu vào của các doanh nghiệp lớn. Còn các sản phẩm liên quan đến dân sinh thì chính quyền địa phương các cấp phải quản lý.

Do đó rất cần sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để giữ ổn định mặt bằng giá cả. Tránh tình trạng “lương không đuổi kịp giá”.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể để 'lương chạy theo giá'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO