Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 27/5. Ảnh: Quang Vinh.
Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại.
Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý.
Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng.
Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau.
Bà Lê Thị Nga cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; Một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe.
Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao; hầu như chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về phòng, chống xâm hại trẻ em; qua thanh tra, kiểm tra, rất ít phát hiện được vi phạm, trong khi tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Làm thế nào để trẻ em trở thành công dân toàn cầu? Đó là câu hỏi được ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) đặt ra, từ đó cần tìm ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em. Bà Mai nhấn mạnh, hiện bộ máy đã có đầy đủ tới từng xã phường trên toàn quốc, quản lý ngành phân công cũng đã đầy đủ, trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũng có, kẻ xấu bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, theo bà Mai, người bị hại sẽ không “đỡ” được khi người hại mình chính là những người kính trọng, thân thiết gần gũi mình là ông bà, cha mẹ, thầy cô.
Còn theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), sự phát triển của Internet khiến trẻ em thành công dân số từ rất sớm. Trẻ có nhiều mối quan hệ trên mạng và có nhiều cơ hội để học tập, phát triển. Tuy nhiên, Internet cũng mang lại các các tác động xấu, mặt trái đặt ra có nhiều nguy cơ. Một cuộc khảo sát mới đây cho biết, cứ 4 trẻ được khảo sát có 1 trẻ có kỷ niệm, ấn tượng đau buồn trên mạng; 1/3 trẻ cho biết mình là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng…
Còn ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết, khi tiếp xúc cử tri, ai cũng bức xúc, rùng mình, căm phẫn, đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh các đối tượng xâm hại trẻ em, không thể để chúng nhởn nhơ ngoài xã hội…