Không cấp phép mới cho doanh nghiệp nhập phế liệu- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 25/7. Đây là động thái cứng rắn để ngăn chặn tình trạng nhập ồ ạt phế liệu khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Thời gian qua, không ít rác thải phế liệu đã được tuồn vào Việt Nam, và trước mắt thì điều đó vẫn là một nguy cơ.
Rác thải và những cotainer rác thải vô chủ tồn tại như một thách thức.
Theo số liệu các đơn vị cảng báo cáo với Cục Hàng hải Việt Nam, hiện đang có một lượng lớn hàng tồn kho tại các cảng. Tại Tân Cảng Cát Lái, quận 2, TP Hồ Chí Minh hiện đang tồn trên 90%, riêng hàng nhập tồn 102,8% và hàng xuất là 67%. Hàng tồn kho chủ yếu là rác được nhập về. Trước đó, các cảng từ Đình Vũ, Hoàng Diệu (Hải Phòng), Cái Lân… trong nhiều năm qua có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn container không xác định được hàng hóa bên trong hoặc là phế liệu không còn giá trị sử dụng như săm lốp ô tô đã qua sử dụng, nhôm đồng, sắt vụn... Các container này đã từng nằm phơi sương phơi nắng, không có người nhận.
“Phải tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nhân dân. Vì vậy, cần phân công trách nhiệm rõ ràng về vấn đề này”- Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu cần điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng. “Phải làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe”- Thủ tướng nhấn mạnh. Chắc chắn trước sự chỉ đạo quyết liệt này, sẽ không còn tình trạng nhập phế liệu vào Việt Nam một cách ồ ạt như trước. Tuy nhiên, muốn Việt Nam không thành bãi rác, chỉ dừng ở việc không cấp phép cho mặt hàng này vào Việt Nam là chưa đủ.
Theo rà soát của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan, từ 1/1/2017 đến 12/3/2018, cả nước có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu, với hơn 49.200 tờ khai. Trong đó, có 140 doanh nghiệp có số lượng trên 50 tờ khai để các doanh nghiệp này nhập phế liệu giấy, sắt thép, nhựa về Việt Nam, nhưng thực tế không ít doanh nghiệp đã nhập rất nhiều tấn phế liệu về Việt Nam nhưng… không có giấy phép!
Không cấp phép mà rác vẫn được nhập vào Việt Nam đây là lý do khiến một số lượng lớn container phế liệu bị ứ lại tại cảng thời gian qua. Và việc ùn ứ một lượng rác khổng lồ này ở các cảng cho thấy rõ một điều: Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý xuất nhập khẩu rất lỏng lẻo khi không xác định được ai nhập, nhập rác về làm gì. Đó là rác về Việt Nam theo đường chính ngạch còn chưa quản được vậy rác được nhập qua đường tiểu ngạch sẽ thế nào? Thực tế, không chỉ nhập giấy, nhựa phế liệu, mà nhiều mặt hàng phế liệu khác như thép vụn đã thống kê được chưa?
Rõ ràng, việc hàng nghìn container phế liệu ùn ứ ở cảng đang là thách thức lớn với các cơ quan quản lý trong xử lý cũng như tác động tiêu cực tới môi trường. Thế nhưng, “điều này thực sự không đáng sợ bằng việc trở thành bãi rác công nghệ, khi doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hoặc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn mác chuyển giao công nghệ để đưa vào nước ta các loại máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu”-chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cảnh báo. Do vậy, nếu không sớm có giải pháp mang tính căn cơ như quy định chỉ được nhập khẩu máy móc, thiết bị nào, cấm những loại máy nào, đánh thuế thật cao nhập khẩu các loại máy đã qua sử dụng, thì mối lo Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới là hiện hữu.
Để chặn nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7. Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Điểm đáng chú ý, trong Luật và Nghị định đã quy định chi tiết danh mục công nghệ được phép chuyển giao, cấm chuyển giao và hạn chế chuyển giao. Điều này được trông đợi sẽ hạn chế tình trạng nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào luật là chưa đủ, để Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) thực sự phát huy hiệu quả, tránh đẩy Việt Nam trở thành “bãi rác phế liệu” hay “bãi rác công nghệ”, trước tiên công tác quản lý xuất nhập khẩu cần được siết chặt hơn, không còn tình trạng “nhập gì không biết, ai nhập không hay” như hiện nay. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành, đặc biệt trong chuyển giao máy móc, công nghệ theo danh mục được phép chuyển giao, cấm chuyển giao hoặc hạn chế chuyển giao.
Tại cuộc họp về vấn đề này, Thủ tướng nhất trí, cần ban hành Chỉ thị của Thủ tướng để chặn rác thải nhập vào Việt Nam- đây là văn bản quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan, các địa phương trong cả nước ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhập rác thải về Việt Nam.