Sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị mới, khu nhà ở cao tầng đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô, tạo không gian đô thị văn minh, hiện đại. Song, Việc phát triển khu đô thị “nóng” đã bộc lộ một số những tồn tại, đặc biệt là thiếu gắn kết không gian kiến trúc và hạ tầng với khu vực dân cư lân cận đã gây ra những bất cập.
Nhiều dự án chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 384 dự án đã được giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng. Trong đó, 299 dự án đang triển khai, đặc biệt là có 15 dự án đầu tư xây dựng chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học) so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Trong số này, quận Nam Từ Liêm có nhiều dự án nhất, gồm: Khu đô thị mới Phùng Khoang; khu nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì bán cho cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam; dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương; khu đô thị thành phố giao lưu; dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao; Khu đô thị mới Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế; khu nhà ở để bán Quang Minh. Số còn lại thuộc huyện Hoài Đức (Khu đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco, Khu đô thị mới Vân Canh); quận Hoàng Mai (khu nhà ở Vĩnh Hoàng, khu chức năng đô thị Ao Sào); huyện Thanh Trì (dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Cầu Bươu); quận Long Biên (dự án khu nhà ở Thạch Bàn); huyện Gia Lâm (dự án Khu đô thị mới Đặng Xá).
Không chỉ vậy, qua khảo sát mới đây của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Hà Nội về các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, trong 78 dự án khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, chỉ có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; còn lại các dự án có quy hoạch hạ tầng xã hội, nhưng chậm triển khai. Cụ thể, Khu đô thị Văn Phú còn 1 trường THCS, 1 trường tiểu học đang xây dựng; Khu đô thị Đặng Xá còn 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS chưa triển khai đầu tư xây dựng; khu nhà ở 136 Hồ Tùng Mậu GoldMark City còn 1 trường tiểu học liên cấp và THCS đang triển khai xây dựng; dự án Tây Nam Linh Đàm chưa xây dựng 2 nhà trẻ mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 2 trường THCS. Ngoài ra, ở một số khu đô thị đã xây dựng công trình hạ tầng xã hội, nhưng quy mô các công trình còn nhỏ so với quy mô dân số…
Dân gánh chịu hệ lụy
Không chỉ thiếu hạ tầng xã hội, chủ đầu tư còn chậm bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc chưa khớp nối đồng bộ hạ tầng, dẫn đến việc quản lý các khu dân cư của chính quyền địa phương còn bất cập. Đơn cử như, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) thường xuyên bị ngập úng khi mưa, ùn tắc giao thông, đường xuống cấp do chưa kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật vì các tuyến đường ngoài phạm vi khu đô thị chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch. Hay tại địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nơi có gần 80 tòa nhà chung cư với mật độ dày đặc, các tuyến giao thông xung quanh luôn trong tình trạng quá tải, ùn tắc.
Nói về thực trạng ngập lụt và ách tắc giao thông ở những khu vực này, theo TS. KTS Nguyễn Tất Thắng (Viện Kiến trúc Quốc gia), không chỉ tại các khu chung cư cao cấp mà tại các khu đô thị tái định cư, nhà ở xã hội còn trầm trọng hơn bởi hầu như những nơi này thường thiếu công trình công cộng, trang thiết bị tiện ích đô thị. Cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật tại các khu dân cư đô thị chưa đồng bộ, mạng lưới giao thông trong và ngoài đô thị chưa phát triển, gây trở ngại cho các mối liên thông giữa đô thị với vùng lân cận…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, GS. TS.KTS Đỗ Hậu phân tích, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới chủ yếu chỉ được nghiên cứu và thực hiện trong phạm vi ranh giới dự án (được giao đất), mà thiếu sự cập nhật, trao đổi thông tin với những không gian lân cận, nhất là với quy hoạch hạ tầng chung nên dẫn đến sự thiếu gắn kết giữa hai không gian.
Thể hiện trước tiên là thiếu kết nối giao thông giữa khu đô thị mới và làng xóm đô thị hóa như không có sự ổn định của hoạt động đi lại, thiếu bổ sung điểm giao thông tĩnh, các giao cắt không hợp lý. Đó còn là tình trạng tương phản về kiến trúc và công trình xây dựng, kéo theo cảnh quan tại khu vực giáp ranh giữa khu đô thị mới, làng xóm đô thị hóa thiếu thẩm mỹ. Trong nhiều khu vực giáp ranh không có tuyến giao thông phân cách mà được xây dựng các dãy nhà quay lưng, áp sát với khu dân cư làng xóm hiện có nhằm tận dụng quỹ đất được giao cho xây dựng đô thị mới, tạo ra môi trường xây dựng lộn xộn.
Tuy nhiên, những sự khập khiễng cũ mới trong bức tranh đô thị này không đáng quan ngại bằng việc người dân phải chịu đựng tình trạng ngập lụt, ùn tắc, ô nhiễm môi trường và nhiều những sự bất tiện nữa đang hàng ngày xảy ra.
Đâu là lời giải?
Đâu là lời giải cho những khu đô thị mới để người dân không phải sống với cảnh tắc đường, ngập lụt và những hệ lụy khác nữa? Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc xây các khu nhà cao tầng trên địa bàn. Điều cần đặt ra đối với các khu đô thị này chính là sự đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Đồng thời, cần có những giải pháp nhằm giảm tác động tiêu cực tới đời sống nông dân tại các làng xóm đô thị hóa, tới môi trường đô thị, cũng như nảy sinh nhiều vấn đề trong quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội kiến nghị UBND TP, khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành. Đối với các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư chậm triển khai, UBND TP cần thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa.
Các sở, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất với UBND TP phương án xử lý đối với công trình hạ tầng xã hội không triển khai hoặc chậm tiến độ nhằm bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng.
Về yếu tố kỹ thuật, TS.KTS Lê Xuân Hùng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đề xuất một số giải pháp, đó là cần cơ cấu phân bố chức năng tại khu vực giáp ranh, thực hiện bổ sung nhóm chức năng hoàn chỉnh cấu trúc đô thị là một số công trình hạ tầng xã hội: Cây xanh, sân chơi… ở quy mô cấp khu vực. Giải pháp tổ chức mạng lưới kết nối giao thông theo cấu trúc khép kín và liên hoàn, đa dạng hóa các cấp độ đường giao thông, mở rộng cải tạo ngõ, đường nhánh tiếp cận tới tuyến trục chính cũng rất cần được tính đến. Có như vậy mới tránh được cảnh cứ mưa là tắc, cứ cao điểm là giao thông không thể nhúc nhích như hiện nay.
Bên cạnh đó, có thể áp dụng giải pháp kiểm soát kiến trúc công trình, thiết lập chuyển tiếp về chiều cao xây dựng, thiết kế hợp khối và tách khối công trình xây dựng. Tổ chức không gian mở có tính gắn kết, chia sẻ nhiều hoạt động như điểm dừng đỗ xe, vui chơi, tập luyện thể thao... để giải quyết những tình huống mà người dân đang gặp phải. Điều quan trọng là phải giám sát chặt chẽ việc phê duyệt và thực hiện đúng quy hoạch, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng như hiện nay.
Mưa lớn ngập lụt và tắc đường là “đặc sản” tại các tuyến đường có nhiều tòa chung cư mọc lên. Sau những trận mưa lớn, tình cảnh những khu đô thị nằm hai bên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông), Ðại lộ Thăng Long (huyện Hoài Ðức) bị cô lập với các tuyến đường chung quanh, bởi nước ngập sâu các lối ra vào không còn là chuyện lạ với người dân Thủ đô. Tình trạng nhiều khu đô thị được cho là cao cấp tại quận Bắc Từ Liêm nhưng sau khi đưa vào sử dụng cư dân không có đường đi cũng đã từng xảy ra.