Không thể manh mún mãi

Minh Phương 29/03/2017 07:55

Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 do Liên minh Nông nghiệp phối hợp với Oxfarm tổ chức sáng 28/3, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, một trong những giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững là phải gắn kết bằng được doanh nghiệp và nông dân. Vì nếu cứ mãi sản xuất kiểu manh mún, nông hộ, nền nông nghiệp không thể lớn mạnh.

Chỉ khi gắn kết được nhà nông và doanh nghiệp, kinh tế nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững.

Lỗi không hoàn toàn ở chính sách

Tại diễn đàn, hầu hết các diễn giả đều khẳng định, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp đã đảm nhiệm rất tốt vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Từ một nước phải đi nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Kinh tế nông nghiệp đóng góp một phần tỷ trọng lớn GDP. Thế nhưng càng ngày, ngành nông nghiệp càng bộc lộ nhiều yếu kém khi chủ yếu dựa trên trên trên nền kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp.

“Khi nền kinh tế thiếu hẳn sự liên kết, người nông dân chủ yếu vẫn “tự bơi” với những hạt lúa, con tôm do mình làm ra hay nói cách khác đi, cách sản xuất vẫn manh mún, tầm nhìn ngắn hạn, thì kinh tế nông nghiệp sẽ khó có sự bứt phá”- GS. Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, Thành viên của Liên minh Nông nghiệp) chia sẻ tại diễn đàn.

GS Võ Tòng Xuân thừa nhận, một phần của sự yếu kém này nằm ở chính sách, song không thể đổ lỗi tất cả cho chính sách. Bản thân chính người nông dân cũng đang tự bó chặt mình, tự bằng lòng với khả năng của mình thì làm sao nền nông nghiệp có thể phát triển được.

Dẫn chứng cho nhận định này, GS Xuân nêu quan điểm: 70% dân số Việt Nam hiện nay làm nông nghiệp. Ở nước ngoài, người nông dân có học thức cao, và có trình độ họ mới làm nông nghiệp, nhờ đó họ sử dụng được các công nghệ kỹ thuật cao ứng dụng vào sản xuất. Nhưng ở Việt Nam, không học mới làm nông.

“Trồng rau, trồng lúa cứ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, thiếu hẳn sự can thiệp của khoa học kỹ thuật, họ chỉ trồng cây bằng kinh nghiệm của cha ông truyền lại chứ không phải bằng kiến thức khoa học. Đó là lý do vì sao đất đai lại khô cằn, không trồng được các sản phẩm chất lượng cao. Đó cũng là lý do Việt Nam đang đối diện với hiệu ứng khí nhà kính, biến đổi khí hậu lớn trong thời gian qua”- GS. Võ Tòng Xuân nhận định.

Theo vị chuyên gia này, khi người nông dân không tự ý thức nâng cao kiến thức về nông nghiệp của mình thì sẽ rất khó có chuyện nền kinh tế nông nghiệp có thể hướng tới nông nghiệp công nghệ cao.

Phải liên kết để hết manh mún

Bàn về các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp hiện nay, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học tại diễn đàn cho rằng, bất cứ một chính sách hỗ trợ nào khi đưa ra, người làm chính sách cần phải trả lời được câu hỏi: Hỗ trợ để sản xuất gì và bán cho ai?

Vấn đề cốt yếu hiện nay của ngành nông nghiệp là người nông dân đang bị “đói” thông tin. Thế nên mới có thực trạng họ bị hùa theo phong trào hễ thương lái tìm mua gì là họ trồng cái đó, nuôi con đó.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, chính sách đưa ra cần có sự định hướng được thông tin cho người nông dân chứ không phải chỉ đưa ra một cách chung chung.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh- nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Thành viên Liên minh nông nghiệp cho rằng, gần đây, dư luận nhắc đến nhiều vấn đề đầu tư 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao.

Theo TS. Minh, nếu các chính sách hỗ trợ có tính thực thi cao thì sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi cho nông dân, nhưng trên thực tế, thời gian qua, nhiều chính sách nông nghiệp được xây dựng thiếu thực tế nên không hiệu quả, vô hình chung chính sách làm bần cùng hóa nông dân.

Bà Minh cho rằng, bất cứ một chính sách hỗ trợ nào khi đưa ra, người làm chính sách cần phải trả lời được câu hỏi: Mục đích là gì, sản xuất gì và sản xuất ra thì bán cho ai? Đừng để chính sách nghe thì rất hợp lý, rất tốt, nhưng khi triển khai đến bà con nông dân thì thiếu hiệu quả, nông sản vẫn ở tình trạng ế, thừa, được mùa rớt giá…

Cũng cho rằng nền kinh tế nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến so với thời kỳ 30 năm trở về trước, song, theo TS. Nguyễn Văn Tiến- Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), về cơ bản nông nghiệp nước ta vẫn dựa trên sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp.

Việc giao đất cho các hộ nông dân sử dụng lâu dài mặc dù có tạo được động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, song phần lớn quy mô vẫn rất nhỏ: 80% số hộ sản xuất nông nghiệp có quy mô đất nông nghiệp nhỏ hơn 1ha/hộ, còn bình quân mỗi hộ chỉ có từ 0,4-0,6ha. Với quy mô quá manh mún như vậy, làm sao có thể sản xuất lớn được?

TS Tiến đặt câu hỏi và cho rằng, vướng mắc lớn nhất ở nền nông nghiệp hiện nay nằm ở chỗ quy mô sản xuất quá nhỏ, quá manh mún. Để giải quyết thực tế này, vấn đề cần làm của nhà quản lý là làm sao có thể khuyến khích được các hộ nông dân liên kết lại, nhiều mảnh nhỏ tạo thành mảnh lớn, rồi sau đó kết nối với DN. Nông dân có đất còn DN có vốn, khi có đất và vốn thì mới có thể phát triển mạnh được, vì với phát triển nông nghiệp đây là hai yếu tố cốt lõi.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đưa ra ý kiến, thời gian tới, cần hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính, tín dụng trong nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do thời tiết và thị trường, lợi nhuận thấp, liên quan đến đời sống của gần 70% dân số sống ở nông thôn, Nhà nước cần ban hành những chính sách tài chính, tín dụng, thuế ưu đãi để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và đảm bảo đời sống của người nông dân…

Theo TS Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, việc giao đất cho các hộ nông dân sử dụng lâu dài mặc dù có tạo được động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, song phần lớn quy mô vẫn rất nhỏ: 80% số hộ sản xuất nông nghiệp có quy mô đất nông nghiệp nhỏ hơn 1ha/hộ, còn bình quân mỗi hộ chỉ có từ 0,4-0,6ha. Với quy mô quá manh mún như vậy, làm sao có thể sản xuất lớn được?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể manh mún mãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO