Dịch bệnh kéo dài, việc học của sinh viên nhiều trường đang thực hiện theo hình thức trực tuyến. Điều đáng nói, trong khi có những trường đại học - cao đẳng thông báo miễn giảm học phí cho tân sinh viên, nhằm chia sẻ khó khăn với người học và gia đình các em, thì cũng có không ít những trường áp dụng các mức thu “trên trời”.
Điều ấy khiến các sinh viên cùng với niềm vui đỗ đạt mới vừa nhen lên thì nỗi lo tiền trường cũng lại ập đến.
Năm học 2021- 2022, theo tinh thần Nghị định Chính phủ vừa ban hành về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mức học phí của các trường mầm non, phổ thông và giáo dục đại học (ĐH) không được vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí năm học 2020 - 2021. Trước bộn bề khó khăn, đời sống của nhiều gia đình lao đao, việc Chính phủ quyết định miễn học phí cho nhiều đối tượng, không tăng học phí đã cất đi gánh nặng trên vai của rất nhiều ông bố, bà mẹ. Chính sách miễn giảm học phí trong khó khăn, hoạn nạn hướng tới đảm bảo không để học sinh, sinh viên nào bỏ học hay vì khó khăn mà không được đến trường.
Cụ thể hơn theo tinh thần của Nghị định 81, thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH quy định mức thu, thời gian thu học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các sự kiện bất khả kháng. Như vậy, việc miễn giảm học phí sẽ giao cho các trường ĐH.
Đơn cử Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, việc hỗ trợ gánh nặng về tài chính với người học được giảm trừ thẳng vào học phí (1 triệu đồng/tháng). Nhằm hỗ trợ sinh viên học trực tuyến, Trường ĐH Thương mại thông báo giảm 7% học phí và hỗ trợ chi phí 4G trong suốt thời gian học trực tuyến. Nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng thể hiện rõ trách nhiệm xã hội với người học. Ngay từ đợt Covid-19 đầu tiên (2020) hệ thống giáo dục ĐH tư thực NHG đã giảm 20% học phí cho sinh viên mùa dịch, đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn kịp thời cho các em...
Tuy nhiên, vẫn có những trường ĐH đang thu nhiều khoản phí. Theo phản ánh của người học, ở mỗi trường việc thu lệ phí của tân sinh viên với nhiều khoản và nhiều mức khác nhau. Nhưng mức học phí nhập học tới gần 5 triệu đồng thì quả là không dành cho sinh viên gia đình khó khăn. Chỉ riêng tiền khám sức khỏe, mức thu của mỗi trường đã có sự chênh lệch rõ rệt, không thống nhất. Có trường còn thu cả tiền nước uống 100.000 đồng/sinh viên - trong khi sinh viên đang ngồi học trực tuyến ở nhà.
Học trực tuyến không sử dụng cơ sở vật chất, điện nước..., chi phí trực tiếp đã giảm đi rất nhiều, nhưng vì sao nhiều trường ĐH không giảm học phí/giảm các khoản thu? Lãnh đạo một số trường lý giải rằng chi phí đầu tư cần trải qua một quá trình, dù học theo hình thức nào thì trường vẫn phải đầu tư. Khi học trực tuyến, chi phí điện, nước, cơ sở vật chất... trường tiết kiệm được nhưng cũng có nhiều chi phí khác gia tăng. Rồi sở dĩ sinh viên phải nộp tiền học nhiều hơn vì trường A, B có điều chỉnh chương trình của một số môn học nên giảm số lượng tín chỉ. Vì vậy, số tiền cho mỗi tín chỉ thu tăng lên. Các trường ĐH ngoài công lập cho rằng do phải tự chủ tài chính nên giảm tiền trường thế nào còn tùy vào sự cân đối chi phí của nhà trường.
Khi mà quyền tự chủ của ĐH càng lớn thì trách nhiệm xã hội phải càng cao. Tự chủ ĐH không đơn thuần là tự chủ tài chính, tìm cách tận thu. Về lâu dài, hỗ trợ khó khăn cho người học không chỉ là trong dịch Covid-19. Bên cạnh chính sách tín dụng học sinh, sinh viên đã được triển khai 14 năm qua, để con đường tới giảng đường của người nghèo không bị cản bước, cần thêm những hỗ trợ thiết thực của các cơ sở đào tạo. Nếu chỉ gói gọn trong việc “cân đối thu chi”, giáo dục đơn thuần cũng chỉ là đang làm dịch vụ mà thôi.