Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Thái Bình, TP Hà Nội và TP.HCM phải chấn chỉnh và xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ (địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn). Động thái này của người đứng đầu Chính phủ đã khiến hệ thống chính quyền các cấp buộc phải chuyển động và người dân có quyền hy vọng kiến nghị chính đáng của họ sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
Cải cách thủ tục hành chính giảm phiền hà cho dân là nỗ lực của các cấp chính quyền.
Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng làm tốt việc này.
Từ tháng 4/2017, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn. Theo đó, rất nhiều kiến nghị của người dân, và doanh nghiệp (DN) đã được gửi trực tiếp đến địa chỉ này. Chẳng hạn, trong quý II/2017, hệ thống thông tin tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn tiếp nhận hơn 780 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý. Trong đó, phản ánh về hành vi chiếm 84%, về quy định hành chính chiếm 16%.
Ngay sau khi nhận được kiến nghị của người dân, tổ chức VPCP đã chuyển 290 phản ánh, kiến nghị đến các bộ, ngành, địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền (tương ứng 37%); 490 phản ánh, kiến nghị còn lại đang đề nghị người dân cung cấp bổ sung thông tin. Cho đến ngày 28-6, đã có gần 120 trong 290 phản ánh, kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương xem xét, trả lời và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; 170 phản ánh, kiến nghị còn lại đang được các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý.
Như vậy, thực hiện mô hình chính phủ điện tử, người dân không cần chạy đôn chạy đáo khắp nơi để kiến nghị, khiếu nại, chỉ cần một cú kích chuột tâm tư, nguyện vọng của họ có thể đến với cấp cao nhất. Khi gửi kiến nghị, người dân có thể truy cập hệ thống này để theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ... hay phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức... điều này đã thêm một kênh quan trọng để người dân phản ánh nguyện vọng của mình. Đó là đường ngắn nhất để dân kiến nghị cũng như chính quyền cấp cao nhất lắng nghe dân.
Nhưng để dân tin tưởng, dân đến với chính quyền theo con đường ngắn nhất này đâu phải chuyện dễ. Người dân, DN còn phải nghe ngóng, suy xét kĩ lưỡng từng việc mà Chính phủ làm. Còn nhớ, cánh đây hơn 1 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay vào thực hiện định hướng xây dựng Chính phủ liêm chính bằng việc chấn chỉnh xử lý vụ quán cà phê Xin chào.
Sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời, cũng không kém phần bất ngờ của Thủ tướng về một tình huống pháp lý gắn với thân phận của người yếu thế - nạn nhân của hành vi lạm quyền công vụ có tác dụng như một “nhát kiếm công lý” đầy uy lực. Đó cũng là chỉ dấu đầu tiên cho hàng loạt những chỉ đạo quyết liệt của ông và tập thể Chính phủ nhằm chấn chỉnh kỷ cương, phép nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân và DN. Việc làm này đã phần nào tạo được niềm tin trong dân. Nhưng chính quyền không phải nơi nào cũng làm tuân chỉ.
Nhận xét về thái độ phục vụ của cơ quan công quyền thời gian gần đây, tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Điền có phản ánh với Thủ tướng rằng, chính quyền đã có chuyển biến tích cực nhưng dường như đó chỉ là chính quyền cấp cao, ở cơ sở, xem ra sự chuyển động còn rất chậm. Có tình trạng “Chính phủ và các bộ, ngành thì hừng hực cải cách nhưng xuống địa phương thì lạnh lẽo lắm!”.
Để xây dựng Chính phủ kiến tạo tất nhiên không chỉ phụ thuộc cán bộ cấp cao. Ý thức rõ điều này khi làm việc với nhiều tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận: “Ông chủ tịch nói cải cách nhưng sở, huyện, phòng, chuyên viên của ông có cải cách tốt hơn không? Cả hệ thống có chuyển động để phục vụ sự phát triển không?” Muốn rõ, cán bộ cấp dưới có thực hiện tốt chủ trương này hay không, “phải sát dân, sát việc, phải đổi mới từ nhận thức đến hành động”. Thế nhưng, từ nhận thức đến hành động là một quá trình. Thế nên mới có chuyện, người dân, DN phản ánh, kiến nghị trực tiếp lên Chính phủ, Chính phủ “trát” xuống dưới yêu cầu giải quyết kiến nghị của người dân mà vẫn còn tới 5 tỉnh chậm trễ trong việc giải quyết.
Thủ tướng nhiều lần lưu ý, việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN không phải chỉ nói bằng miệng mà phải hành động mà hành động đó không phải là chỉ ở Trung ương mà cả ở địa phương, nhất là các cấp chính quyền cơ sở. Để chính quyền các cấp không chậm trễ, gây nhũng nhiễu trong giải quyết việc dân, phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc ở các cấp, các ngành về việc này. Đồng thời phải xử lý nghiêm những cán bộ, tổ chức cố tình “câu giờ”. Sẽ giám sát, kiểm tra, xử nghiêm đơn vị, cá nhân đặc biệt người đứng đầu chậm trễ trong giải quyết việc dân là thông điệp đủ mạnh buộc chính quyền các cấp phải chuyển động.
Về giải quyết kiến nghị của người dân, ngay thời điểm ra đời trang web http://nguoidan.chinhphu.vn), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng từng khẳng định: Mọi phản ánh của người dân đều được Chính phủ lắng nghe. Trang web tương tác trực tiếp với người dân sẽ tạo sức ép đối với VPCP, Thủ tướng, chính quyền địa phương rất lớn, tuy nhiên, với một Chính phủ kiến tạo thì không thể khác. Nếu cứ để người dân bức xúc mà không xử lý, không lắng nghe thì việc huy động sức mạnh tổng hợp người dân sẽ không đạt được yêu cầu. Chính phủ không kỳ vọng giải quyết 100% nhưng sẽ có tác động rất lớn đến việc chấn chỉnh kỷ cương trong hệ thống cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương.
Rõ ràng, động thái chấn chỉnh chính quyền cấp dưới không sát sao trong trả lời, giải quyết kiến nghị của người dân thông qua website của Chính phủ chắc chắn không phải là phép giải thần kỳ cho mọi khúc mắc trong hệ thống quản lý rối rắm hiện nay. Nhưng nó phản ánh một thái độ: Rằng mọi người dân đều có quyền được lắng nghe một cách nghiêm túc - cho dù anh ta có là ai. Chỉ riêng điều này chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều áp lực cho chính quyền các cấp. Nhưng đó không hẳn là một áp lực về hành chính, mà là một áp lực về tinh thần. Bởi dân “dốc bầu tâm sự” không hẳn chỉ là các kiến nghị, và chỉ đạo cụ thể, mà hàm chứa một thông điệp dành cho đội ngũ cán bộ rằng “làm quan thời này không dễ”, không dễ gì qua mặt dân. Và chính quyền, cán bộ muốn dân hài lòng phải thực hiện đúng vai của mình nếu họ không muốn bị loại khỏi đội ngũ.