Không thể vô trách nhiệm với dân

Lục Bình 17/10/2019 07:30

Khi được hỏi về phương án xử lý nước có dầu thải và trách nhiệm của đơn vị trong việc để xảy ra sự cố nước sinh hoạt bị ô nhiễm, ông Nguyễn Văn Tốn -Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) chỉ nói: “Sắp tới Công ty sẽ họp và nếu sai thì xin lỗi”. “Đây là lần đầu Công ty gặp sự cố, không chắc công nghệ có thể xử lý được ô nhiễm dầu thải”. Những câu trả lời thiếu trách nhiệm này đã gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là với những người dân Hà Nội phải dùng nước không đảm bảo chất lượng gần 1 tuần qua.

Liên quan nguồn nước sinh hoạt Viwasupco cung cấp có hàng vạn hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội bốc mùi hóa chất khét lẹt như mùi nhựa cháy, mới đây, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của TP Hà Nội theo QCVN 01:2009/BYT cho thấy, trong các mẫu nước xét nghiệm đều có một chất của thành phần dầu thải (Styren) với hàm lượng cao hơn so với quy chuẩn từ 1,3 đến 3,65 lần.

Điều đáng nói là, một số cán bộ của Viwasupco đã phát hiện việc này từ sáng ngày 8/10/2019, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Viwasupco cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Dư luận đặt câu hỏi, với việc biết nước máy Hà Nội nhiễm chất Styren trong dầu thải, Viwasupco cứ “lờ” đi và vẫn cấp nước bán cho người dân. Với hành vi “sống chết mặc bay” này, Viwasupco sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tuy nhiên, khi trả lời về trách nhiệm của mình khi biết nước bị ô nhiễm mà vẫn nỡ bán cho dân đại diện Viwasupco vẫn quanh co rằng họ “không bưng bít thông tin”, “chúng tôi đã báo cáo gửi chính quyền và cơ quan công an”, và “không thể dừng cấp nước vì chưa đủ cơ sở, phải chờ kiểm định của liên ngành thành phố”… Trong khi Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã khẳng định “chỉ cần nước có mùi lạ chứ chưa nói có chất Sytyren cũng đã được gọi là nước không đủ chất lượng”.

Dù có lấp liếm thế nào, quanh co, phủ nhận trách nhiệm ra sao thì Viwasupco phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này. Đó không chỉ là việc khắc phục hậu quả, đền bù những tổn thất về vật chất và tinh thần người dân trên địa bàn rộng lớn của Thủ đô chịu đựng trong thời gian qua, mà Công ty này còn phải chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật về hành vi lừa dối khách hàng, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng như vậy. Bởi không chỉ người đứng đầu UBND TP Hà Nội, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung đã “yêu cầu làm rõ trách nhiệm”, xử lý công khai minh bạch; mà ngay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có ý kiến chỉ đạo “Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.

Ai làm sai người nấy chịu, nhưng từ sự cố nước có mùi và mới đây là ô nhiễm môi trường do cháy nhà máy Rạng Đông, cũng như tình trạng ô nhiễm không khí gần đây ở Hà Nội, cho thấy một sự thật đáng buồn đó là những vụ việc này đều do người dân phát hiện, kiến nghị lên cơ quan chức năng; đồng thời họ phải tự xoay sở tìm cách “tự cứu” lấy mình mà không có sự cảnh báo ngay từ đầu của TP Hà Nội và các cơ quan liên quan.

Thậm chí, đến khi người dân có kiến nghị thì phải rất lâu sau, thì mới thấy sự vào cuộc “lác đác” của các cơ quan liên quan. Và việc vào cuộc, xử lý thận trọng nhưng chậm chạp của chính quyền Hà Nội và các cơ quan liên quan khiến người dân cảm thấy lo lắng, bức xúc. Bởi, không lo lắng sao được, khi hàng ngày, hàng giờ người dân bắt buộc phải ăn, phải thở để tồn tại với những thứ mà không biết nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mình, thậm chí có thể biết là rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải sử dụng vì không còn cách nào khác.

Điều làm người dân bất an lo lắng hơn cả là xảy ra vụ việc đổ chất thải vào nguồn nước sinh hoạt của hàng vạn người, thậm chí hàng triệu người dân Hà Nội lại có thể dễ dàng được thực hiện như thế thì liệu sau chất thải dầu thì sẽ là chất gì, sẽ kiểm soát như thế nào? Khi đó hậu quả sẽ nghiêm trọng đến thế nào, và cũng không thể coi thường nguy cơ tính mạng hàng vạn, hàng triệu người có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Qua sự cố này, cũng bộc lộ ra quy trình sản xuất nước sạch cung cấp cho hàng triệu người dân Hà Nội và các địa phương khác còn rất lỏng lẻo, nguồn nước có thể bị “xâm hại” bất cứ lúc nào. Đã đến lúc, không thể để người dân phải sống trong sự lo lắng, bất an như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể vô trách nhiệm với dân