Trước việc nhiều doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu phản ánh về các phiền hà, cũng như việc trễ hẹn trong thực hiện thủ tục hải quan, PV báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM để làm rõ những vấn đề này.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp (Ảnh: Hồng Phúc).
PV: Là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải cách TTHC, hiện đại hóa hải quan, giảm bớt phiền hà về chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp (DN), xin ông chia sẻ về một số kinh nghiệm của hải quan TP HCM thời gian qua?
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp: Cục Hải quan TP HCM từ năm 2000 đã tiến hành các giải pháp cải cách TTHC, hiện đại hóa ngành hải quan. Với khối lượng hàng hóa mỗi ngày mỗi nhiều hơn, chúng tôi nhận ra nếu không chủ động cải cách TTHC thì không thể nào quản lý xuể được. Đầu tiên, chúng tôi bắt tay vào thực hiện tốt “Đối thoại DN”. Thông qua giải pháp này, lãnh đạo Cục Hải quan TP trực tiếp lắng nghe các ý kiến bức xúc, cũng như những vấn đề mà DN phản ánh.
Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện cung cấp công khai số điện thoại đường dây nóng. Nghĩa là cung cấp từ số điện thoại của đồng chí Cục trưởng cho đến các đồng chí Đội trưởng. Việc này nhằm trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan thì các DN có những vấn đề gì đó không rõ, hoặc những vấn đề chưa xử lý được; hoặc giữa hải quan và DN có nhiều vấn đề thì họ có thể gọi cho số điện thoại đường dây nóng.
Từ năm 2006, Cục Hải quan TP HCM tiếp tục thí điểm mô hình hải quan điện tử. Trong đó có sự kiện thành lập Chi cục Hải quan điện tử. Suốt quá trình thí điểm này thì chúng tôi đã xây dựng được một nề nếp trong chính các cơ quan hải quan, cũng như DN về thực hiện các dữ liệu điện tử. Trong đó, có nhiều bước như là khai báo từ xa; vừa làm điện tử vừa làm thủ công;… đã đáp ứng được nhu cầu của DN. Mới đây nhất vào tháng 6-2014 thì chúng tôi tiếp tục tiếp cận hệ thống thông quan điện tử do Nhật Bản tài trợ. Hệ thống này khi triển khai đã được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP HCM. Qua đó, chúng tôi đã khắc phục được nhiều hồ sơ hải quan trễ hẹn cho cá nhân, tổ chức, DN.
Về mô hình thông quan điện tử thì Chính phủ đã cấp kinh phí cho ngành hải quan đầu tư máy soi container. Tác động của chủ trương này cho đến nay đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
- Đúng là từ khi Chính phủ đầu tư máy soi container cho ngành Hải quan thành phố đã có tác động rất lớn, đặc biệt là giảm thời gian chờ đợi cho DN. Chúng tôi đánh giá đây là thiết bị rất quan trọng và với máy soi container thì cơ quan Hải quan có thể không cần can thiệp bằng khâu xâm nhập, có nghĩa là có thể kiểm tra, kiểm soát hàng hóa mà không phải mở container ra.
Thời gian qua, các DN cũng phản ánh nhiều về sự chưa đồng bộ trong nhiều hồ sơ, thủ tục giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác. Vấn đề này là thế nào, thưa ông?
- Như chúng ta đều biết thì từ năm 2014, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cùng với cơ quan Hải quan tiến hành thực hiện Nghị định 19 của Chính phủ liên quan đến giảm thời gian thông quan. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải phóng hàng hóa thì cũng thấy rõ ràng là thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% trong thời gian làm thủ tục thôi, còn lại đến 72% lại là do chính sách của các Bộ, ngành. Đây cũng vấn đề mà chúng tôi rất băn khoăn và giải pháp chắc chắn là đề nghị các Bộ ngành, nhất là Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT phải tiếp tục có những quan tâm, để cùng với ngành Hải quan giải quyết được thống nhất, giảm bớt thời gian làm thủ tục cho DN.
Còn những thủ tục đang thực sự “vênh” giữa ngành hải quan và các cơ quan liên quan tại thành phố đang làm khó DN thì giải pháp như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay đúng là thực hiện thông quan điện tử thì cơ quan hải quan lưu giữ toàn bộ hồ sơ theo hệ thống dữ liệu điện tử, tuy nhiên một số cơ quan khác thì có thể họ lại đòi văn bản giấy. Chẳng hạn, một lô hàng được thông quan điện tử khi DN mang hàng ra cảng thì đòi hỏi có tờ khai hải quan, trong khi dữ liệu này là dữ liệu điện tử. Vậy thì, Quản lý thị trường hay là cơ quan công an khi kiểm tra, kiểm soát trong quá trình lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu thì họ có đòi hỏi DN phải xuất trình tờ khai. Rõ ràng việc này thì bắt buộc DN phải quay lại yêu cầu cơ quan hải quan cấp tờ khai này cho họ. Do đó mất thời gian thông quan hàng hóa.
Để khắc phục tình trạng này thì trước mắt trong quá trình triển khai thực hiện thì nếu yêu cầu của DN cần in tờ khai hải quan thì Cục Hải quan TP sẽ cung cấp đóng dấu cho DN. Trong tương lai thì nếu tất cả các cơ quan liên quan thực hiện hoàn toàn dữ liệu điện tử và kết nối hệ thống với nhau thì không cần tờ khai này nữa.
Thời gian qua trong khi Cục Hải quan đã áp dụng cấp chữ ký số, tuy nhiên nhiều DN vẫn còn chưa mặn mà về mô hình mới này. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Hiện nay theo quy định thì chữ ký số thì được triển khai trên hệ thống thông quan điện tử tự động. Về cơ bản, việc thực hiện chữ ký số thay cho hình thức truyền thống là ký tên đóng dấu trên văn bản giấy đã giúp cải thiện nhiều vấn đề vốn tồn tại trước đây. Tuy nhiên, ngành hải quan vẫn còn băn khoăn đối với chữ ký số, bởi vì như hiện nay thì có 5 cơ quan cùng có chức năng cung ứng chữ ký số, gồm: Viettel, FPT, Bưu chính viễn thông,… Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là khi các cơ quan này cấp chữ ký số cung ứng cho DN thì nảy sinh việc chưa tương thích được với các phần mềm mà cơ quan hải quan đang thực hiện.
Chúng tôi cho rằng, cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính bảo mật cho chữ ký số khi cấp cho DN. Thứ hai là phải xác định người được cấp CKS phải đủ thẩm quyền về pháp lý, tránh nảy sinh vướng mắc.
Trân trọng cảm ơn ông!