Không xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự toà, nhà báo có thể bị phạt đến 1 triệu đồng

Việt Thắng 18/08/2022 14:35

Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Ngày 18/8, với 100% Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Dự thảo Pháp lệnh quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Không chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa;

b) Hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa phiên tòa đồng ý;

c) Gây rối tại phòng xử án;

d) Không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở;

đ) Có thái độ không tôn trọng Hội đồng xét xử;

e) Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án không xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác mặc dù đã được nhắc nhở;

g) Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án không ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa;

h) Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án rời khỏi phòng xử án khi phiên tòa đang diễn ra không có lý do chính đáng và không được chủ tọa phiên tòa đồng ý;

i) Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí.

Dự thảo Pháp lệnh cũng quy định phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào phòng xử án;

b) Mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy hoặc chất độc vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa;

c) Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

Cũng theo Pháp lệnh này, đối với hành vi đưa tin sai sự thật bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Về hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Về biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc thu hồi thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;

c) Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;

d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.

Trước đó, giải trình về dự thảo Pháp lệnh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vấn đề ghi âm ghi hình tại phiên tòa thì tất cả các quy định trong quá trình soạn thảo không phải Tòa án tự nghĩ ra mà được quy định rải rác ở các luật khác nhau như: Luật tố tụng hành chính, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự.

“Lần họp trước cũng có nhà báo gọi điện cho tôi tại sao lại không cho ghi âm ghi hình, live stream. Nhà báo có quyền như vậy nhưng người khác họ cũng có quyền rất thiêng liêng. Ví dụ phiên tòa xét xử ly hôn trong phiên tòa đương sự phải trình bày lý do, tài sản có gì?, phân chia ra sao?. Có nhiều nội dung mà cá nhân đương sự cũng không muốn người ngoài được biết. Một nguyên tắc lớn cần được bảo đảm ở đây là quyền con người, Nếu live stream sẽ vi phạm quyền con người. Kể cả trong vụ án hình sự cũng vậy, nhân thân của họ cũng có quyền được bảo vệ, tài sản. Do vậy sẽ vi phạm quyền con người. Đó là lý do tại sao Pháp lệnh quy định như vậy. Tất cả đều xuất phát từ bảo vệ quyền con người” - ông Bình nói.

Ông Bình nói tiếp: “Về việc live stream, ghi âm ghi hình không được phép thực hiện tại tòa bởi việc tổ chức phiên tòa, tối thượng là để hướng đến 1 bản án đúng pháp luật, công tâm, chứ không phải là dịp để truyền thông. Người tiến hành tố tụng phải toàn tâm, toàn ý với công việc, để đảm bảo đưa ra phán quyết công tâm, đúng pháp luật. Nếu Hội đồng xét xử ngồi trước hàng trăm máy đang live tream trực tiếp thì không thể toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ chính của phiên tòa. Nên rất mong người dân, cơ quan truyền thông tôn trọng và chia sẻ những áp lực của cơ quan tố tụng, của Thẩm phán khi đứng trước nhiệm vụ được giao. Nếu làm việc mà phải đứng trước ống kính sẽ xao nhãng công việc, không thể đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự toà, nhà báo có thể bị phạt đến 1 triệu đồng