Không xuê xoa với sai phạm

Miên Thảo 19/12/2020 08:35

Mới đây, trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị làm rõ 6 vấn đề, trong đó có yêu cầu đưa ra danh sách người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả.

Cựu Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô Trần Khắc Hùng và Hiệu trưởng Dương Văn Hoà.

Đây được coi là điểm rất quan trọng của vụ án, cho thấy sẽ không có chuyện xuê xoa, càng không có chuyện “đánh bùn sang ao”, hay là đợi thời gian để cho vụ việc “chìm xuồng”.

Động thái từ Viện KSND tối cao cùng với việc Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng phải xử lý nghiêm, rõ ràng trên cơ sở giao Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ các cá nhân được Trường ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh giả; truy bắt Trần Khắc Hùng (48 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô)...

Trở lại quyết định của Viện KSND tối cao, theo đó danh sách thu tại Trường ĐH Đông Đô có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.

Tuy nhiên, kết luận điều tra mới chỉ nêu chung số liệu các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo từng lần và chưa rõ danh sách được cấp bằng không qua đào tạo từng lần. Vì vậy, Viện KSND tối cao cho rằng cần xác định rõ những trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể.

Đáng chú ý, Viện KSND tối cao yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định. Cơ quan điều tra mới thu giữ 67 văn bằng gốc nên phải tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn lại. Đối với 60 trường hợp sử dụng bằng giả hiện mới hiện mới xác định được 25 người (22 người rút hồ sơ dừng chương trình học, 3 trường hợp xin thôi học thạc sĩ, rút kết quả thi nâng ngạch thanh tra viên). 35 trường hợp còn lại, yêu cầu xác định rõ đã sử dụng bằng giả như thế nào; đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.

“Đề nghị xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức khi sử dụng bằng giả. Các đơn vị thực hiện và thông báo kết quả xử lý bằng văn bản trước khi kết thúc điều tra bổ sung” - quyết định trả hồ sơ nêu.

Chưa hết, Viện Kiểm sát cũng yêu cầu xác định rõ hành vi của một số bị can cụ thể.

Cũng cần nhắc lại, cuối tháng 11 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận đề nghị truy tố bị can Dương Văn Hoà (37 tuổi, cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) và 9 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH cùng về tội “mạo danh trong công tác”.

Đó là với những đối tượng của Trường ĐH Đông Đô, còn thì dư luận rất trông đợi việc các cơ quan hữu quan xử lý nghiêm những đối tượng mua bằng, tìm cách có được bằng cấp một cách không chính đáng. Không thể để bất cứ kẻ nào dùng loại văn bằng bất hợp pháp để tiến thân vì rằng nó sẽ chiếm mất chỗ của những người xứng đáng được hưởng.

Trong số 193 bằng giả bước đầu được cơ quan điều tra xác nhận, thì có tới 55 bằng dùng để hợp thức hóa quy trình bắt buộc để làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ. Đây là điều rất nguy hại vì nó thuộc hệ đào tạo cao, mà khi có được tấm bằng người ta dễ dàng tiến thân, có được những vị trí tốt. Vậy, họ là ai? Đang làm việc ở đâu? Cần phải được công khai.

Cùng đó, dư luận cũng rất trông đợi ở việc cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ những ai, những đơn vị nào ở Bộ Giáo dục - Đào tạo liên quan đến sai phạm này. Vì rằng, tự Trường ĐH Đông Đô (hay bất cứ trường ĐH nào) cũng không thể “tự quyết” được. Trong đó có chi tiết quan trọng là từ năm 2015, Bộ GDĐT đã đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô lên cổng thông tin, trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2.

Đầu xuôi đuôi lọt, tiếp đến năm 2018, trường này tiếp tục gửi đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) và được đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ này về 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2. Điều đó phải được hiểu là Bộ này đã “đóng dấu” cho Trường ĐH Đông Đô, cũng có nghĩa là buộc phải chịu trách nhiệm.

Nói rõ hơn, có thể thấy rằng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) đã dính líu đến vụ “bằng giả” của Trường ĐH Đông Đô.

Với việc Viện KSND tối cao trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô cho thấy tính chất vụ án là nghiêm trọng, và nếu dễ dãi trong điều tra thì rất có thể lọt lưới không ít đối tượng vi phạm. Hy vọng rằng cơ quan điều tra sẽ làm việc tích cực hơn và nhất là phía Bộ GDĐT cần phối hợp tốt hơn với cơ quan điều tra để sớm tìm được những ai liên quan, cùng phải chịu trách trong vụ mua bán bằng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không xuê xoa với sai phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO