Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được thành lập năm 2004 với tổng diện tích 5.030 ha, phần lớn nằm trên địa bàn xã Vĩnh Lợi và một phần thuộc xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
Với sinh cảnh được bảo tồn, Láng Sen là “nhà” của hơn 140 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm có tên trong Sách đỏ…
Nơi đây được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười, với hình thái địa mạo đa dạng và là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước. Ngày 27/11/2015, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.
Tính phong phú của các loài động thực vật và sự đa dạng sinh học trong vùng Láng Sen đã được ghi nhận từ năm 1984 - 1985 thông qua Chương trình điều tra cơ bản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Một số nhà khoa học đã có những gợi ý chọn Láng Sen để thành lập một khu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đặc trưng của Đồng Tháp Mười. Nhận thức được vấn đề này, vào năm 1994, UBND tỉnh Long An đã ra quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Láng Sen nhưng mang tên Khu bảo tồn di tích lịch sử Láng Sen. Với nhiều ý kiến đề xuất từ các nhà khoa học và cơ quan quản lý, UBND tỉnh Long An đã quyết định đổi tên là Khu bảo tồn thiên nhiên Rừng Đồng Tháp Mười Láng Sen, nhưng sau đó đổi tên là Khu bảo tồn di tích lịch sử cách mạng Láng Sen và trình Bộ Lâm nghiệp (cũ) phê chuẩn dự án và được đổi tên thành Rừng phòng hộ biên giới Việt Nam – Campuchia và Bảo tồn di tích lịch sử Láng Sen với diện tích 2.847 ha, lấy điểm trung tâm của vùng lỏi tại rạch Cái He. Điểm đáng chú ý là trong khu vực vành đai tự nhiên của Láng Sen có sự hiện diện của Lâm trường Tân Hưng và đã được UBND tỉnh Long An quyết định thành Khu sinh thái rừng tràm Đồng Tháp Mười, vào năm 2000, với diện tích 2.245 ha, khu vực này chưa phải là vùng lõi của Láng Sen…
Đặc trưng hệ sinh thái vùng đất ngập nước Láng Sen bao gồm: Rừng tràm, ruộng lúa, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, dây leo chịu ngập, bãi lầy ven sông…, phong phú các loài thực vật, nhiều nhất là các loài sen, súng, năng ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa...
Tính đa dạng sinh học trong khu vực Láng Sen được ghi nhận với sự hiện diện của nhiều loài động thực vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Về thực vật, trong khu vực Láng Sen khá phong phú với 156 loài thực vật hoang dã trong đó có 152 loài đã xác định được tên khoa học thuộc 60 họ được tìm thấy... Căn cứ vào dạng sinh trưởng, 152 loài thực vật hoang dã ở Láng Sen được chia ra: Cây thân gỗ (26 loài), cây bụi (15 loài), cây thân thảo (101 loài)…
Còn về động vật, một số liệu thống kê chỉ ra khu vực này có 128 loài động vật có xương sống (không kể lớp cá)…; trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Riêng chim có tới hơn 140 loài, với khoảng 20 nghìn cá thể chim nước trú ngụ, tiêu biểu như: Sếu đầu đỏ, diệc lửa, diệc xám, giang sen, cò trắng chân xanh…
Đây là khu vực thuận lợi cho việc khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước và động vật có xương sống. Riêng vùng lõi khu bảo tồn Láng Sen có 12 tiểu khu được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây và tách biệt với khu dân cư. Dưới lòng kênh 79 của khu bảo tồn này là nơi sinh sống của hơn 78 loài thủy sản nước ngọt, trong đó có 27 loài đặc hữu sông Mê Công như: Cá tra dầu, cá lóc bông, cá thát lát, cá linh…
Hiện nay, toàn bộ khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ, một số loài sinh vật đã được phục hồi. Tuy nhiên, đôi khi còn có sự xâm nhập của người dân địa phương vào trong vùng này để đánh bắt thủy sản và săn bắt các loài động vật hoang dã đã góp phần làm giảm tính sự phong phú các loài sinh vật tại đây.
Nhận thấy việc bảo vệ tài nguyên tự nhiên, đa dạng sinh học vùng đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười là việc cần thiết, vào đầu tháng 1/2004, UBND tỉnh Long An đã ra quyết định số: 199/QĐ-UB ngày 19/1/2004 thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, với diện tích là 5.030 ha. Trong đó, bao gồm cả diện tích của Khu bảo tồn sinh thái rừng tràm Đồng Tháp Mười, Lâm trường Vĩnh Lợi và một phần diện tích của xã Vĩnh Lợi và Vĩnh Đại. Lấy địa điểm Cái He làm trung tâm của vùng lõi.
Láng Sen là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước với nhiều quần thể động thực vật phong phú mang tính đặc trưng. Qua nhiều năm khai thác cho mục đích sản xuất nông nghiệp đã làm giảm tính phong phú của sự đa dạng sinh học dẫn đến giảm số lượng các động thực vật tiêu biểu. Từ năm 1998, nhiều nghiên cứu về giá trị tài nguyên thiên nhiên trong vùng trong vùng đất ngập nước Láng Sen đã được thực hiện do nhiều tổ chức trong và ngoài nước để có thể đánh giá tổng quan về tài nguyên tự nhiên làm luận cứ khoa học cho việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên. Đầu năm 2004, khu vực này đã được quyết định chính thức trở thành Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, được chọn làm một trong hai điểm trình diễn sử dụng khôn ngoan và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước lưu vực sông Mekong do IUCN, GEF, UNDP tài trợ MWBP.
Việc bảo tồn sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái vùng đất ngập nước tiêu biểu cho vùng Đồng Tháp Mười là hết sức cần thiết, góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa cho một vùng đất ngập nước lưu vực sông Mekong.
Rừng đặc dụng Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
* Tháng 12/2017, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định thành lập Khu rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Theo đó, tổng diện tích khu rừng đặc dụng 19.708.868,2 m2. Trong đó, phân khu bảo tồn các hệ sinh thái - đa dạng sinh học, là rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với diện tích 1.970,88 ha. Đây là khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc vùng lõi. Khu vực này bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên với sự hiện diện của nhiều loài động - thực vật tạo thành những sinh cảnh đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Khu này bao gồm cả khu trú ngụ và sinh sản của các loài chim nước cần phải bảo vệ.