Sáng cuối tuần, chợt nghe tiếng lách chách khe khẽ. Đưa mắt nhìn khắp phòng, hóa ra có một chú chim sâu vô tình bay vào nhà rồi cứ thế lao vào cửa kính hòng thoát thân.
Chú chim sâu tội nghiệp cất cánh hết lần này đến lần khác, ngã rồi lại dậy, lại lấy đà, lao và ngã chúi nhưng chưa một lần nào tuyệt vọng. Tôi khẽ lấy ghế, trèo lên, nhẹ nhàng nhấc chú chim sâu tung ra ngoài.
Đôi cánh chao xuống một chút rồi bay vút lên bụi cây trước nhà. Hàng loạt tiếng chim ríu rít hót lên như mừng chú chim vừa thoát nạn. Không ngủ được nữa, tôi đến bên cửa sổ. Nắng vừa chớm tới ngọn cây. Mỗi lùm cây như chứa điều bí mật đang hừng sáng.
Cái cảm giác mềm mại, run run của chú chim trong tay mình vẫn còn đây. Cứu một chú chim, bàn tay bỗng bâng khuâng như nhặt được một viên ngọc quý.
Ấy thế mà, cũng bàn tay này, những khi còn cắt cỏ chăn trâu ở quê, có khi lùa suốt cánh đồng chiều, trèo tít lên ngọn cau, đánh đu trên ngọn mít để bắt bằng được vài chú chim, đan lồng để nuôi, cho chim ăn tất cả những thứ gì... người ăn.
Rồi dăm ba ngày sau, hoặc con chim phá lồng đi, hoặc lạnh cóng chân cánh, rã lông cứng đơ mà chết. Tiếng chim bố mẹ nỉ non trên cành, cứa vào lòng đứa trẻ con nỗi day dứt, ân hận khôn nguôi. Để rồi, vài hôm sau, tính trẻ con nổi lên, lại lùng bắt cho bằng được những con chim tội nghiệp...
Hà Nội ồn ào và náo nhiệt, nhưng cũng có những lúc có khoảng lặng bất chợt. Ấy là khi tiếng rao lảnh lót, tiếng chim lích chích ríu ran cất lên.
Có lẽ, ngoài việc thích bắt và sở hữu những con chim nhỏ là tính cố hữu trong con người ta từ khi còn thơ bé, việc nuôi chim của người đô thị, trong đó có Hà Nội còn là để con người sống gần thiên nhiên hơn, tạo ra những khoảng lặng cho mình. Vì thế, khắp Hà Nội, không khó gì để bắt gặp những lồng chim treo lủng lẳng. Nhỏ lẻ thì trong mỗi gia đình, đông hơn thì hàng dãy lồng treo một góc hồ Thiền Quang, quán cà phê Cây Đa (góc sau cung Thiếu nhi), phố Trần Hưng Đạo...
Nào thì chim cu gáy, chim sâu, chim vành khuyên cho đến yểng, sáo, rồi cả những loài độc và lạ như chào mào, đại bàng... Yêu loài chim nào thì vào hội chim ấy, cũng sinh hoạt hội, tự hào khoe con chim quý, truyền đạt nhau kinh nghiệm nuôi dạy, huấn luyện hay cay cú, buồn bực vì mua trượt, vì "cục cưng" của mình lỡ sổng, lỡ chết... Nuôi chim, đó là một thú chơi, cũng có thể gọi là một cách giải trí, và cả sự kinh doanh, kiếm lời vậy.
Tuy nhiên, ở Hà Nội vẫn có những người nuôi những chú chim chẳng cần lồng sơn son thếp vàng. Góc phố Bà Triệu - Tô Hiến Thành có một cụ già nhiều năm nay thả thóc cho chim sẻ ăn. No căng bụng, chúng lại bay vút lên các tán cây quanh đó. Rồi khi đói, chúng lại xà xuống nhặt những hạt thóc vàng…
Ngồi uống chén trà nóng đầu đông, ngắm đàn chim thoắt đậu thoắt bay, bạn sẽ có cảm giác như chim sẻ cả Hà Nội tụ về nơi đây. Bà bán hàng cứ tư lự nhìn như thế, bạn khó lòng mà hỏi được nguyên nhân tại sao mỗi ngày bà mua chừng vài cân thóc thết đãi lũ chim trời. Bà tự nguyện làm vậy nhiều năm, tình yêu của bà với lũ chim sẻ ấy lan truyền sang nhiều người…
Và tôi cứ nghĩ đến những người nuôi chim trong lồng, mùa đông se se này, thấy nắng hửng lên, lại mang lồng chim ra ngoài cửa cho nắng rọi vào…
Sao không thả những chú chim trong lồng ấy ra, cho chúng bay trong nắng gió bốn mùa, cho chúng làm bạn với những vòm cây và thi thoảng tặng lại ta những tiếng hót thiện lành…