Tối 27/7 tại An Giang, 1 trong 6 điểm cầu gồm: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang và An Giang, truyền hình trực tiếp chương trình kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) với chủ đề “Khúc tráng ca hòa bình”. Điểm cầu truyền hình An Giang được tổ chức ngay tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia tỉnh An Giang.
Tham dự điểm cầu An Giang có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch – Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cùng với các lãnh đạo Trung ương và các địa phương khu vực ĐBSCL các Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang.
Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” là chương trình đặc biệt - ghi khắc những trang sử hào hùng của dân tộc và những người đã ngã xuống, hi sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Trải qua các cuộc chiến tranh, quân và dân An Giang đã gánh chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng vẫn một lòng kiên cường bảo vệ từng tấc đất. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, An Giang được biết đến là một hậu phương giữa vòng vây địch, đồng bào miền Tây Nam Bộ hết lòng hết dạ, anh dũng và mưu trí đã nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, đảng viên tạo nên một “Căn cứ nhân tâm” giữa lòng địch. Tại huyện Chợ Mới tỉnh An Giang là nơi xuất hiện lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh từ tháng 4 năm 1940 với khát vọng hoà bình, giải phóng dân tộc theo lý tưởng của Bác Hồ. An Giang cũng là dịa phương sau cùng được giải phóng, kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc suốt 45 năm kiên cường và bền bỉ, sáng 6/5/1975.
Tỉnh An Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sông Tiền và sông Hậu chảy qua, có đường biên giới với chiều dài gần 100 km, giáp hai tỉnh Kandal và Takeo của nước bạn Campuchia.
Từ kháng chiến chống Mỹ đến chiến trường biên giới Tây Nam, An Giang là nơi tiếp nhận nhiều quân tính nguyện Việt Nam sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Khi trở về, phần nhiều trong các anh là những bia mộ trắng, mộ trống, chưa xác định được thông tin. Nghĩa trang liệt sỹ Dốc Bà Đắc, Tịnh Biên, An Giang hiện có hơn 8500 ngôi mộ thì phân nửa là chưa xác định được thông tin.
Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình”, với 3 chương "Những dấu chân hòa bình", "Bài ca không quên" và "Khát vọng hòa bình", là chương trình nhiều ý nghĩa nhằm tri ân và tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Chương trình còn truyền đi thông điệp quyết tâm giữ gìn, bảo vệ hòa bình của các thế hệ; khơi dậy động lực cống hiến - hy sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh như tinh thần đã được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng…