Trong bối cảnh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, các nước châu Âu dường như ngày càng bộc lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc khi không thể đưa ra một giải pháp nhất quán toàn diện để giải quyết, trong khi lại bắt đầu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Người di cư biểu tình tại trạm xe lửa Keleti ở Budapest, Hungary (Nguồn: Time).
Diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng di cư đang tấn công châu Âu xảy ra khi hàng trăm người di cư trái phép đã tổ chức biểu tình bên ngoài một trạm xe lửa ở thủ đô Budapest của Hungary hôm 1-9 sau khi bị lực lượng cảnh sát từ chối thông hành. Những người di cư hô vang khẩu hiệu: “Nước Đức! Nước Đức” trong khi tay giơ cao tấm vé của mình.
Đến ngày 3/9, chính quyền Hungary đã mở cửa trở lại trạm tàu hỏa Keleti ở thủ đô để phục vụ hàng trăm người di cư sau 2 ngày biểu tình diễn ra. Những người di cư đã đổ xô đi mua vé sau khi chính quyền Hungary ngăn chặn mọi nỗ lực tiếp nhận họ, khiến cho một số lượng lớn người đổ xô lên các chuyến tàu từ Vienna (Áo) đến miền Nam nước Đức. Tuy nhiên, một tuyên bố cho hay các tuyến tàu quốc tế đến khu vực Tây Âu sẽ bị trì hoãn “vô hạn định”. Tất cả những diễn biến trên xảy ra ngay trước khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban – vị lãnh đạo có tư tưởng bài trừ nạn di cư – đến Brussels để thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư.
Cuộc khủng hoảng di cư dường như đã khiến cho lục địa già có thêm một mùa hè nóng bỏng khi lượng người di cư tìm đến châu lục này đã đạt đến mức kỷ lục – 107.500 người, chỉ tính riêng trong tháng 6 vừa qua. Nước Đức mới đây còn dự báo sẽ tiếp nhận tổng số 800.000 người di cư trong năm nay – tức gấp 4 lần năm ngoái.
Khủng hoảng càng trở nên nghiêm trọng thì căng thẳng và sự chia rẽ giữa các nước châu Âu về chính sách nhập cư càng trở nên gay gắt hơn. Trong ngày 1-9, ba nước đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ làn sóng di cư gồm Đức, Italy và Pháp đã kêu gọi “phân bổ công bằng” việc tiếp nhận người di cư trong khối các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Italy và Hy Lạp trước đó cũng phàn nàn rằng họ đang phải tiếp nhận một số lượng lớn người di cư trái phép đổ đến các bờ biển của họ. Đức cũng là một nước được cho là “thiên đường” của những người di cư khi đại đa số cho hay đây là điểm đến cuối cùng của họ trong hành trình tìm một cuộc sống ổn định với thu nhập cao. Thế nhưng, trong khi một số nước như Đức sẵn sàng tiếp nhận một số lượng lớn người di cư, thì một số nước khác lại không.
Thủ tướng Anh David Cameron, cùng ngày, đã có tuyên bố thẳng thừng rằng việc tiếp nhận ngày càng nhiều người di cư không phải là biện pháp giải quyết khủng hoảng. Ông Cameron cũng khẳng định không muốn can dự vào bất cứ chương trình nào của châu Âu liên quan đến khủng hoảng di cư và cho rằng nước Anh sẽ trở thành một thỏi “nam châm” thu hút người di cư nếu như tham gia các chương trình nói trên.
Biện pháp mà London đưa ra là tập trung vào bình ổn và cải thiện môi trường sống ở những nước sở tại của người di cư và đảm bảo an ninh ở những điểm nóng mà người di cư tràn tới, như ở cảng Calais của Pháp – tuyến đường thông quan giữa Anh và Pháp, nơi diễn ra cuộc khủng hoảng di cư mới đây.
Một số nước châu Âu thậm chí còn tìm đến những phương pháp “thủ công” hơn để ngăn chặn người di cư vào nước họ. Điển hình trong số đó là Hungary, nằm trong vùng đi lại tự do theo Hiệp ước Schengen, sau khi chính phủ nước này tuyên bố sẽ sớm hoàn thành một hàng rào kéo dài dọc biên giới với Serbia để ngăn chặn người di cư băng qua. Cách đây không lâu, người di cư ở Macedonia còn bị lực lượng cảnh sát sử dụng hơi cay để xua đuổi.
Sau thảm họa di cư hồi tháng 4 vừa qua khi 700 người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải, đã có một đề xuất về biện pháp giải quyết dòng người di cư, nhưng không thể đạt thỏa thuận do phản ứng từ một số nước. Ủy ban châu Âu (EC), trước tình hình đó, đã kêu gọi các nước cần phải chung tay chia sẻ gắng nặng tiếp nhận người di cư, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bước tiến khả quan.
Theo Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), có hơn 2.300 người di cư đã thiệt mạng trong hành trình vượt biển đến châu Âu tính từ đầu năm đến nay, so với mức 3.279 người trong suốt 12 tháng năm 2014. Trên đất liền, làn sóng người di cư và người tị nạn đã quét qua khu vực phía Bắc châu Âu thông qua vùng Balkan, với hàng nghìn người đến từ Syria, Afghanistan và Pakistan tìm cách băng qua Serbia để đến Hungary – nơi có đến 140.000 người di cư bị bắt giữ do thâm nhập trái phép tính từ đầu năm đến nay.