Quốc tế

Khủng hoảng nước khi chưa vào hè

Hà Anh 20/03/2024 09:56

Mực nước xuống thấp đến mức kỷ lục dẫn đến chi phí nước cao ngất ngưởng và nguồn cung cấp nước nhanh chóng cạn kiệt tại thành phố Bengaluru của Ấn Độ.

anhbaitren(2).jpg
Cư dân ở Ambedkar Nagar lấy nước từ một xe bồn tư nhân tại Bengaluru, Ấn Độ. Nguồn: AP.

Bhavani Mani Muthuvel và gia đình 9 người của cô có khoảng 5 thùng nước dung tích 20 lít (5 gallon) để dùng trong 1 tuần cho việc nấu ăn, dọn dẹp và làm việc nhà. “Đây là loại nước duy nhất chúng tôi có thể mua được” - cô Muthuvel nói.

Là cư dân của Ambedkar Nagar - một khu định cư thu nhập thấp nằm bên cạnh trụ sở xa hoa của nhiều công ty phần mềm toàn cầu ở khu Whitefield của thành phố Bengaluru (Ấn Độ), gia đình cô Muthuvel thường phụ thuộc vào nước máy, có nguồn gốc từ nước ngầm, nhưng nó đang cạn dần. Cô Muthuvel cho biết, đây là cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất mà cô từng trải qua trong 40 năm sống ở khu vực này.

Thành phố Bengaluru (miền Nam Ấn Độ) đang chứng kiến tháng 2 và tháng 3 nóng bất thường và trong vài năm gần đây lượng mưa rất ít, một phần do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Mực nước đang xuống thấp đến mức khủng khiếp, đặc biệt là ở những khu vực nghèo hơn, dẫn đến chi phí nước cao ngất ngưởng và nguồn cung cấp nước nhanh chóng cạn kiệt.

Chính quyền thành phố và tiểu bang đang cố gắng kiểm soát tình hình bằng các biện pháp khẩn cấp như quốc hữu hóa các xe bồn chở nước và đặt giới hạn chi phí nước. Nhưng các chuyên gia về nước và nhiều người dân lo ngại điều tồi tệ nhất vẫn sẽ đến vào tháng 4 và tháng 5 - những tháng cao điểm của mùa hè.

Khủng hoảng thiếu nước ở Ấn Độ do một loạt yếu tố cùng lúc xảy ra gồm hạn hán, biến đổi khí hậu, tình trạng phá rừng và thiếu mưa trầm trọng. Hạn hán khiến nước giếng cạn đi, trong khi mưa ít nên không có nước bù lại cho giếng. Tình trạng nước ngầm bị khai thác quá mức cũng góp phần gây ra khủng hoảng.

Ông Shashank Palur - nhà thủy văn học thuộc Phòng thí nghiệm Nước, Môi trường, Đất đai và Sinh kế có trụ sở Bengaluru cho biết, cuộc khủng hoảng nước đã xảy ra từ lâu, bởi Bengaluru là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất thế giới và cơ sở hạ tầng cung cấp nước ngọt không thể theo kịp với tốc độ gia tăng dân số.

Nước ngầm - nguồn sống của hơn 1/3 trong số 13 triệu cư dân của thành phố đang cạn kiệt nhanh chóng. Chính quyền thành phố Bengaluru cho biết, 6.900/13.900 giếng khoan trong thành phố đã cạn nước dù một số giếng đã được khoan tới độ sâu trên 450m. Những người phụ thuộc vào nguồn nước ngầm như Muthuvel giờ đây phải phụ thuộc vào các xe bồn chở nước bơm từ các làng lân cận.

Ông Palur cho biết, El Nino - một hiện tượng tự nhiên ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết trên toàn thế giới cùng với việc thành phố nhận được lượng mưa ít hơn trong những năm gần đây khiến “việc bổ sung mực nước ngầm không diễn ra như mong đợi”. Ông cho biết, một đường ống dự kiến cung cấp nước từ sông Cauvery cách thành phố khoảng 100km cũng chưa được hoàn thành, làm tăng thêm cuộc khủng hoảng.

Ông T.V. Ramachandra - nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Sinh thái tại Viện Khoa học Ấn Độ có trụ sở tại Bengaluru cho biết, một mối lo ngại khác là bề mặt lát đá bao phủ gần 90% diện tích thành phố, ngăn nước mưa thấm xuống và tích tụ trong lòng đất. Thành phố đã mất gần 70% diện tích xanh trong 50 năm qua.

Ông Ramachandra so sánh tình trạng thiếu nước của thành phố với cuộc khủng hoảng nước “ngày số 0” ở Cape Town, Nam Phi vào năm 2018, khi thành phố này suýt phải khóa hầu hết các vòi nước vì hạn hán.

Theo một ước tính của Chính phủ Ấn Độ vào năm 2018, hơn 40% cư dân Bengaluru sẽ không được tiếp cận với nước uống vào cuối thập kỷ này. Chỉ những người nhận nước máy từ các con sông bên ngoài Bengaluru mới được cung cấp nước thường xuyên. “Hiện nay mọi người đều đang khoan giếng ở vùng đệm các hồ. Nhưng đó không phải là giải pháp” - ông Ramachandra nói.

Theo ông Ramachandra, thay vào đó, thành phố nên tập trung vào việc bổ sung hơn 200 hồ trải rộng khắp thành phố, dừng xây dựng mới trên các khu vực hồ, khuyến khích thu hoạch nước mưa và tăng độ che phủ xanh trên toàn thành phố. “Chỉ khi làm được điều này thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề thiếu nước của thành phố” - ông Ramachandra khẳng định.

Cùng với đó, theo ông Palur, việc xác định các nguồn nước khác và sử dụng chúng một cách thông minh, chẳng hạn như tái sử dụng nước thải đã qua xử lý trong thành phố để giảm nhu cầu về nước ngọt cũng có thể hữu ích.

Cho đến lúc có được những giải pháp đối với tình trạng thiếu nước, một số cư dân đang thực hiện các biện pháp cần thiết. S. Prasad - người sống cùng vợ và 2 con trong một khu nhà ở gồm 230 căn hộ cho biết, họ đã bắt đầu kế hoạch phân bổ nước. “Kể từ tuần trước, chúng tôi chỉ cung cấp nước cho các hộ gia đình trong 8 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 10 giờ sáng. Người dân phải trữ nước trong thùng chứa hoặc làm mọi thứ họ cần trong thời gian quy định. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch sớm lắp đặt đồng hồ nước” - ông Prasad nói.

Ông Prasad cho biết, giống như nhiều khu dân cư ở Bengaluru, khu của ông sẵn sàng trả chi phí nước cao nhưng họ vẫn không tìm được nhà cung cấp. “Tình trạng thiếu nước này không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời rời khỏi Bengaluru” - ông Prasad lo lắng.

Báo cáo do Bộ Quản lý tài nguyên nước Ấn Độ công bố, tổng hợp dữ liệu từ 24 bang trên toàn quốc cho thấy, nguồn nước ngầm cung cấp gần một nửa nguồn nước cho Ấn Độ hiện nay đang cạn kiệt với tốc độ đáng báo động, khoảng 40% dân số Ấn Độ thậm chí không có nước uống vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng nước khi chưa vào hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO