Quốc tế

Khủng hoảng nước, sa mạc hóa ngày một lan rộng

Bảo Thư 02/07/2024 08:44

Hạn hán hoành hành, nguồn nước ngầm suy kiệt khiến mặt đất sụt lún đang diễn ra tại Tehran và hàng trăm thị trấn khác ở Iran.

anhbaiduoi-16.jpg
Khu vực Zayandeh ở Iran bị khô cạn. Nguồn: AP/Vahid Salemi.

Truyền thông nhà nước Iran cho biết, hơn 800 thị trấn và làng mạc, trong đó có Thủ đô Tehran và thành phố lớn Isfahan có nguy cơ bị sụt lún đất nghiêm trọng. Mặt đất bên dưới Tehran chìm xuống tới 22cm mỗi năm, cao gấp 7 lần so với dự đoán. Nguyên nhân được cho là do tình trạng nguồn nước ngầm sụt giảm.

Roozbeh Eskandari - một chuyên gia về công trình thủy lực và xây dựng đập nhận xét, đây có thể coi là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mang tính xã hội ở Iran. Sụt lún đất do việc khai thác nước ngầm quá mạnh, gây nguy hiểm cho các cơ sở hạ tầng, bao gồm đường ống, đường dây điện và đường sắt...

Những tháng gần đây Iran đã bị ảnh hưởng rất nhiều khi nắng nóng. Trong khi đó, những trận mưa dữ dội lại diễn ra ở các tỉnh nghèo Sistan và Baluchistan, giáp biên giới Afghanistan và Pakistan. Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra rất khốc liệt, gây ra trạng thái cực đoan của thời tiết.

Nhà xã hội học Iran, ông Saeed Madani, đã nhiều lần lê tiếng về hậu quả của biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với nền kinh tế và xã hội Iran. “Iran thiếu các nguồn lực cần thiết cho dân số ngày càng tăng, hơn gấp đôi từ 37 triệu lên 83 triệu người trong 40 năm qua. Chúng ta đang chứng kiến sự cạn kiệt và thiệt hại không thể khắc phục đối với các hồ chứa nước ở nhiều nơi do việc tiêu thụ nước trong nông nghiệp, vốn không ngừng gia tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất lương thực” - ông Madani nói và cảnh báo rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc “tị nạn khí hậu” dai dẳng.

Giới chuyên gia môi trường thế giới cho rằng Iran là một ví dụ điển hình về biến đổi khí hậu với những hậu quả về thiên tai đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của con người trong thế kỷ 21.

Trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm, Liên hợp quốc đã lấy ngày 17/6 hàng năm là Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán. Chủ đề Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2024 là “Chung tay quản lý đất bền vững - Di sản của chúng ta, tương lai của chúng ta”. Vẫn theo Liên hợp quốc, hạn hán đang xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, tăng hơn 29% kể từ năm 2000. Nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di cư vào năm 2030, do thiếu nước ngọt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng nước, sa mạc hóa ngày một lan rộng