Khủng hoảng Tây Ban Nha: Các ngân hàng lớn lần lượt rút khỏi Catalonia

07/10/2017 07:35

Một trong những ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha hôm 6/10 cho hay họ đang di dời các trụ sở làm việc của mình ra khỏi Catalonia, sau khi chính quyền khu vực tự trị này tuyên bố sẽ tách ra khỏi Tây Ban Nha. Được biết một ngân hàng lớn khác cũng có dự định tương tự.


Nhiều ngân hàng lớn cân nhắc di dời trụ sở khỏi Barcelona, thủ phủ của Catalonia. (Nguồn: CNN).

Ngân hàng Banco Sabadell hôm 6/10 cho hay ban giám đốc của họ đã quyết định sẽ di chuyển trụ sở pháp lý của họ từ Barcelona - thủ phủ của Catalonia - tới Alicane ở đông nam Tây Ban Nha "nhằm bảo vệ lợi ích của các khách hàng, các cổ đông và nhân viên của công ty".

Một tổ chức tài chính lớn khác của xứ Catalan, ngân hàng Caixabank, cũng được cho là đang cân nhắc để di chuyển văn phòng trụ sở chính của họ khỏi khu vực tự trị này.

Chính quyền khu vực tự trị Catalnia từ hôm đầu tuần này đã công khai kế hoạch tuyên bố đơn phương tách khỏi Tây Ban Nha, sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi tổ chức hôm Chủ nhật tuần trước, trong đó khoảng 2 triệu cử tri xứ Catalan đã đổ tới các điểm bỏ phiếu bất chấp sự ngăn cản của lực lượng an ninh.

Theo giới chuyên gia, việc các ngân hàng lớn lần lượt rút khỏi Catalonia có thể sẽ gây ảnh hưởng tới khu vực có nền kinh tế lớn nhất của Tây Ban Nha, và nền kinh tế toàn quốc gia, đẩy đất nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị và tạo nên tình trạng bất ổn pháp lý đối với các ngân hàng và doanh nghiệp.

Cổ phiếu của các ngân hàng ở Tây Ban Nha đã giảm trong hôm thứ Tư vừa qua khi các nhà đầu tư nhận thấy rủi ro. Cổ phiếu đã tăng trở lại trong hôm sau đó, khi có một số báo cáo về các kế hoạch đối phó với tình trạng hiện nay của một số ngân hàng.

Ngân hàng Banco Sabadell nói trong một tuyên bố rằng, việc di dời trụ sở làm việc tới Alicane sẽ không bao gồm việc di chuyển bất kỳ nhân viên nào của họ. Công ty có lịch sử 135 năm hoạt động này "duy trì việc sở hữu nhiều trung tâm hoạt động ở nhiều thành phố khác nhau ở Tây Ban Nha và ở Anh", tuyên bố nhấn mạnh.

Caixibank hiện không trực tiếp đưa ra báo cáo về việc họ đang cân nhắc di dời các trụ sở làm việc ra khỏi Barcelona, nhưng cho hay "các quyết định cần thiết sẽ được đưa ra". Ngân hàng này nói rằng họ sẽ tập trung vào việc "bảo vệ các lợi ích của khách hàng, các cổ đông và toàn bộ nhân viên".

Nếu Catalonia tuyên bố đơn phương độc lập, chính phủ Tây Ban Nha ở Madrid có thể phản ứng bằng cách áp đặt các điều luật trực tiếp đối với khu vực này - hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và tạo thêm tình trạng bất ổn, khiến các nhà đầu tư lo sợ, và làm gián đoạn công việc kinh doanh.

Và nếu Catalonia thực sự tách khỏi Tây Ban Nha, khu vực này có khả năng sẽ bị Liên minh châu Âu (EU) tẩy chay, đặc biệt là về lĩnh vực ngân hàng.

EU vốn đã đưa ra các mạng lưới an toàn cùng các quy định nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong tình trạng không ổn định, bảo vệ các khách hàng của họ. Và các ngân hàng có trụ sở đặt tại một quốc gia thành viên của EU được cho phép làm ăn kinh doanh trên toàn thể khu vực gồm 500 triệu dân này.

Các ngân hàng được phép tự do di dời các trụ sở làm việc của mình bên trong một quốc gia, nhưng sẽ cần vô số sự phê chuẩn mới có thể di dời trụ sở ra khỏi biên giới một quốc gia. Chính điều này khiến cho các ngân hàng lớn của Tây Ban Nha phải hành động trước khi Catalonia tuyên bố tách khỏi nước này.

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng tại Catalonia đang được châu Âu theo dõi sát sao. Hàng loạt chính trị gia đã thể hiện rõ ràng họ đứng về phía Madrid hoặc nói rằng đó là câu chuyện nội bộ Tây Ban Nha. Nhưng một khi xung đột dâng cao tới đỉnh điểm, khủng hoảng chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng trên diện rộng và họ khó lòng có thể làm ngơ.

"Nếu đây là Crimea hay Hy Lạp, bà Angela Merkel chắc hẳn lúc này đã kích hoạt chế độ hòa giải tối đa" - Simon Tisdall viết trên Guardian - "Nhưng khi nhắc tới Catalonia, Thủ tướng Đức, lãnh đạo đảng là đồng minh với đảng cầm quyền Tây Ban Nha, lại không tham gia".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tương tự. Trong một bài phát biểu hồi tuần trước, ông nhiệt tình ủng hộ "một châu Âu hội nhập", lời kêu gọi vốn được những người đòi độc lập cho Catalonia hưởng ứng. Nhưng trong tuần này, Tổng thống Pháp lại nói ông ủng hộ "sự thống nhất về mặt hiến pháp" của Tây Ban Nha.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia đã đào sâu thêm những rạn nứt trong kế hoạch thúc đẩy hội nhập của EU, đồng thời khơi dậy các cuộc tranh luận về vấn đề bản sắc. EU đã tự đặt ra mục tiêu chống lại chủ nghĩa phi tự do và chủ nghĩa dân tộc, nhưng họ rõ ràng đang gặp khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng Tây Ban Nha: Các ngân hàng lớn lần lượt rút khỏi Catalonia