Khung pháp lý và quyền lợi doanh nghiệp

L.Hồng - Đ.Dương 30/01/2016 11:23

Cả nước có 535.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động. Hiện khối DN này đóng góp khoảng 45% vào GDP của cả nước, 31% vào tổng thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung, thu hút hơn 5 triệu lao động và đóng góp xấp xỉ 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của quốc gia. Nhưng chính sách, sự ưu tiên, ưu đãi đối với DNNVV còn nhiều bất cập.

Khung pháp lý và quyền lợi doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Ông Nguyễn Hoa Cương- Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, chiếm trên 97% tổng số DN cả nước, DNNVV là hệ thống DN có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong nhiều năm trở lại đây, quá trình đổi mới với sự ra đời của các DNVVN đã chứng minh tính đúng đắn của các chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các DNNVV dường như chưa có sự phát triển nổi bật.

So với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN Việt Nam luôn chịu thiệt thòi khi mà DN nước ngoài vừa có vốn vừa có công nghệ và được nhiều chính sách ưu đãi về thuế, được mời gọi đầu tư và trải thảm đỏ. Do đó, trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, cộng đồng DN đều ở trạng thái buộc phải lớn mạnh, DN nhỏ phải phát triển thành DN vừa và hơn nữa. Thực trạng này đòi hỏi chúng ta phải có một chính sách đủ mạnh, đây là căn cứ để thực hiện kế hoạch xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - Ông Cương nhấn mạnh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI), Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng theo hướng nhìn từ góc độ quy mô của DN, đồng thời khắc phục những cản trở do quy mô vừa và nhỏ của khu vực này gây ra, đồng thời tạo điều kiện cho các DN này phát triển. Từ thực tế đó, Nhà nước cần tạo khung pháp lý mở bảo vệ quyền và lợi ích của DNVVN. Khung pháp lý với tiêu chí phải tôn trọng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ và coi họ là lực lượng đóng góp lớn nhất cho xã hội. Để làm được như vậy, chính quyền luôn phải hướng tới việc hỗ trợ DN- ông Tuấn cho biết thêm.

Thực tế, vấn đề được Nhà nước hỗ trợ DNNVV một cách tích cực ngay từ thời điểm khởi nghiệp; định hướng cho DN xây dựng thương hiệu lâu năm bằng cách tạo ra sản phẩm chất lượng và giữ uy tín; trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ như hiện nay phần thắng sẽ thuộc về DNVVN có khả năng vươn lên; việc đầu tiên là lo về thủ tục, trình tự cho doanh nghiệp. Sau đó, sẽ xây dựng các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp về kinh nghiệm quản lý; có chính sách giúp cho DN tiếp cận và được ưu tiên vay vốn ưu đãi.

Luật sư Võ Thị Như Ngọc- Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương trong quá trình thực thi pháp luật rất quan trọng. Nền kinh tế của đất nước chỉ có thể phát triển nhanh và mạnh hơn nữa nếu chúng ta có nhiều DNNVV. Những DN này đủ nhỏ để linh hoạt và đủ lớn để có hiệu quả. Do vậy, Luật Hỗ trợ DNVVN được ban hành thì chắc chắn sẽ hỗ trợ cho DNNVV lớn mạnh hơn. Từ đó, sẽ tạo hiệu ứng tốt về mặt xã hội và kinh tế.

Ngoài ra, phải xác định được cần hỗ trợ DNNVV bằng nguồn lực nào, ngân sách nhà nước có dành một phần nào cho DNNVV hay không, cách thức để DNNVV nhận nguồn ngân sách. Mặt khác, vai trò chính các DNNVV cũng không thể thiếu trong quá trình tham gia xây dựng và thực thi pháp luật. LS Võ Thị Như Ngọc cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng- Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM: Cũng như các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nền kinh tế Việt Nam đã và đang vận hành trong môi trường Hội nhập kinh tế quốc tế với sự tham gia của một thành phần hết sức quan trọng đó là DNNVV. Thống kê cho thấy, phần lớn các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đều là các nước đang phát triển, DNNVV chiếm trên 90% tổng số DN mỗi nước. Ngay như Singapore là nước phát triển nhất trong AEC, trong số 10 người làm việc thì có 6 người làm ở DNNVV.

Trong Hiến chương ASEAN cũng như trong Hiệp định ASEAN, các thành viên đều có chung quan điểm về việc hỗ trợ DNVVN, trên thực tế các nước cũng đều sử dụng các biện pháp liên quan, trong đó, các biện pháp hỗ trợ về chính sách (Chính phủ Malaysia áp dụng 6 biện pháp phát triển DNVVN), hỗ trợ về tài chính (các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia đã đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, mở rộng kênh huy động vốn gián tiếp và trực tiếp, chủ yếu là vay ngân hàng), hợp tác quốc tế mở rộng thị trường - ông Dũng cho biết thêm, đồng thời nhấn mạnh, để luật này khi được ban hành và có thể áp dụng một cách thực chất, thì cần phải sửa đổi một số văn bản luật có liên quan như các luật về thuế, kế toán, đấu thầu, các tổ chức tín dụng…

Theo LS Hoàng Văn Sơn- Trưởng Văn phòng Luật sư VNC, nhìn từ góc độ pháp luật và chính sách hiện nay, việc hỗ trợ các DN nói chung dựa trên các vấn đề sau: Chính sách miễn, giảm thuế trong một thời gian; hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi thấp; hỗ trợ tiền sử dụng đất, tiếp cận đất đai; tiếp cận các dự án đầu tư công; Hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Nhìn từ góc độ này thì các DNNVV không có khả năng về mọi mặt để được tiếp cận. Vậy làm thế nào để các DNNVV hiện nay có khả năng tiếp cận được các nguồn lực này. Đây là một vấn đề không dễ chút nào khi mà các cơ quan thực thi pháp luật thường áp dụng một cách rời rạc, không liên thông với nhau. Chẳng hạn, khi đấu thầu họ chỉ áp dụng Luật Đấu thầu, các cơ quan thuế chỉ áp dụng các Luật Thuế mà không áp dụng các luật có liên quan, nếu có sự chồng chéo thì họ vẫn ưu tiên áp dụng luật mà họ quản lý, đó là nghịch lý- ông Sơn phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khung pháp lý và quyền lợi doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO