Hội ngộ là một loạt các triển lãm, trưng bày các tác phẩm mỹ thuật mà không cố định hoạ sĩ tham gia, được khởi xướng bởi hoạ sĩ Nguyễn Quý Kiên. Ở mỗi triển lãm, tác phẩm lại được thay mới, và chưa từng được công bố trước đó.
4 họa sĩ tham gia triển lãm Hội ngộ tại TP HCM.
Sau triển lãm tại Hà Nội tháng 11/2015, Hội ngộ đã có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM (97A, Phó Đức Chính), kéo dài đến hết 15/1. 33 tác phẩm của 4 hoạ sĩ: Nguyễn Quý Kiên, Đặng Hồng Vân, Bùi Đức Tạo, Nguyễn Văn Vũ có mặt trong triển lãm Hội ngộ lần này, không có điểm chung từ đề tài, thể loại, chất liệu hay phong cách.
Hoạ sĩ Nguyễn Quý Kiên (sinh năm 1964 tại Hà Nội) cho đến nay chưa được biết tới nhiều ở trong nước, do năm 1995, anh nhận được học bổng toàn phần của nước Pháp cho học sinh đạt thủ khoa kì thi tuyển sinh của trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, khoá 38. Từ đó, anh sống, làm việc tại Paris.
Trong 20 năm, hoạ sĩ Quý Kiên đã tham gia nhiều triển lãm quốc tế, đặc biệt, tháng 4/2013, triển lãm Ngày hội những bánh răng tại bảo tàng cối xay Valmondoise Pháp… Đến với triển lãm Hội ngộ tại TP HCM lần này, công chúng sẽ được ngắm nhìn 6 bức tranh sơn dầu về Khu công nghiệp Cảng St Petersburg - Nga, Cảng St Petersburg - Nga Góc hải cảng Vannes Bretagne-Pháp, Bến cảng Essaouira - MaRốc.
Tiếp đến là 6 bức tranh sơn dầu vẽ trong năm 2012 và 2013 với những nét vẽ mềm mại về hiệu ứng cánh bướm, sự thay đổi màu sắc phù hợp với không gian mới, môi trường mới cùng người phụ nữ hiện đại của hoạ sĩ Bùi Đức Tạo (sinh năm 1980 tại Thanh Hoá). Bên cạnh đó, Đức Tạo trưng bày 1 tác phẩm tranh “Vết”, vẽ năm 2014, là thông điệp giới thiệu cho bộ tranh mới tiếp theo.
Sau đó là 3 tác phẩm điêu khắc về người dân tộc Mông của điêu khắc gia Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1974 tại Hà Nội). Đề tài vùng cao và người dân tộc là niềm yêu thích của Nguyễn Văn Vũ. Trong triển lãm lần này, anh mới tới 3 phiên bản bằng đá nhân tạo. Tác phẩm để ngay phía cửa ra vào là “Vũ điệu H’Mông” phía bên trong trưng bày tác phẩm “Chân dung phụ nữ Mông” thể hiện lại khuôn mặt mạnh khoẻ rắn chắc còn vương nét lam lũ của một phụ nữ sống tại Pà Cô, Mai Châu, Hoà Bình và “Thăm ruộng”. Cả 3 tác phẩm đều được sáng tác bắt đầu từ năm 2010 và hoàn thành năm 2015.
Ban đầu, hoạ sĩ Văn Vũ vẽ phác thảo trên giấy, rồi tiến hành làm phác thảo trên đất, anh tạo hình toàn bộ tác phẩm bằng một con dao khắc được vót từ thanh tre, sau đó đổ khuôn đúc đồng. 3 tác phẩm đúc đồng là 3 tác phẩm gốc, còn 3 tác phẩm sao chép lại bằng đá tự nhiên này, là để tiện cho việc vận chuyển xa. Khi bán, anh sẽ bán cả bản gốc và bản sao. Tuy nhiên, theo hoạ sĩ Nguyễn Văn Vũ, các tác phẩm điêu khắc hiện nay vẫn chưa được công chúng rộng rãi sưu tầm, vì thế, hoạ sĩ sáng tạo vì đam mê, còn để duy trì cuộc sống sinh hoạt thường ngày, anh làm các sản phẩm điêu khắc ứng dụng.
Tham gia số lượng lớn nhất là 17 bức tranh của nữ hoạ sĩ Đặng Hồng Vân (sinh năm 1961 tại Hà Nội). Với 6 bức tranh in nhôm, li tô và tổng hợp chủ đề Việt Nam đương đại, và 11 bức tranh sơn dầu vẽ quang cảnh truyền thống Bắc Bộ.
Sau khi triển lãm tại TP.HCM, cũng trong tháng 1, Hội ngộ sẽ đến với Trung tâm văn minh Pháp ở Kolkutta -Ấn Độ và tháng 4, là Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế trong khuôn khổ Fesstival Huế 2016.