Chiều 11/5, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có buổi làm việc với ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng để trao đổi, giải quyết các nội dung liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Du lịch TP này về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phần diện tích 200 m từ mép biển trở lên quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, là nơi quần cư của tất cả các bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu. Ảnh Dương Thanh Tùng.
Buổi họp thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luân báo chí cũng như các nhà hoạt động môi trường. Tuy nhiên gần 100 phóng viên có mặt tại trụ sở Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (số 1 An Nhơn, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đã bị từ chối tham dự.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết về việc từ chối cho báo chí tham dự cuộc họp này, đại diện Tổng cục du lịch cho biết, “đây là cuộc họp nội bộ”.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cũng tỏ ra bất ngờ vì cuộc họp mà ông được mời tham dự không có gì bí mật và rất cần sự chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước khi vào cuộc họp, ông Huỳnh Tấn Vinh cung cấp cho báo chí Thư khuyến nghị do đại diện Trung tâm con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Green Việt), Nhóm nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật Đại học Đà Nẵng, đồng ký tên gửi Thủ tướng và lãnh đạo HĐND, UBND TP Đà Nẵng vào ngày 10/5/2017.
Ông Vinh cho biết, ông được ủy quyền trao thư khuyến nghị cho đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch.
Thư khuyến nghị đề cập đến 8 nội dung bao gồm: Rà soát lại toàn bộ các Quy hoạch liên quan đến bán đảo Sơn Trà được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà - đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng sang “đất khác”; tổ chức điều tra và thẩm định lại Đánh giá tác động Môi trường chiến lược (ĐMC) đối với Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà; xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên; xem xét hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận (như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Quảng Nam) nhằm mục đích bảo tồn hệ sinh thái cả trên cạn lẫn dưới nước; xây dựng cơ chế thống nhất, giao 1 đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động của du khách cũng như người dân ở bán đảo Sơn Trà; xây dựng mô hình du lịch sinh thái, tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà, hình ảnh Vọọc chà vá chân nâu được xây dưng thành biểu tượng linh vật của Đà Nẵng tương tự như gấu trúc ở Trung Quốc, đại bàng đầu trắng ở Mỹ, kangaroo ở Úc; nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol, Philippines.