Dịch Covid-19 quay trở lại trong khi nền kinh tế bước sang giai đoạn mới thực hiện “mục tiêu kép”, vừa lo chống dịch, vừa lo tăng trưởng. Vì thế rất cần những kịch bản ứng phó mới.
Trao đổi với ĐĐK, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp vẫn đang khó khăn, chưa phục hồi. Khi dịch quay trở lại thì Chính phủ cần tính đến những gói hỗ trợ mới để tăng sức cho nền kinh tế.
PV:Thưa ông, trước đây chúng ta đã đưa ra những kịch bản phát triển kinh tế để ứng phó trong giai đoạn dịch. Nhưng hiện dịch đã quay trở lại, theo ông chúng ta cần có sự thay đổi “kịch bản” trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Dịch Covid-19 mới quay trở lại nên chưa có thể tiên liệu được chắc chắn bao giờ sẽ chấm dứt, cũng như gây ảnh hưởng ở mức độ nào. Nếu chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong tháng 8 như đã từng kiểm soát dịch trong giai đoạn trước đây, không có sự lây lan thì chưa cần điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng GDP 3-4% như mức Chính phủ vừa đưa ra cách đây 1 tháng. Song sau tháng 8, nếu dịch trở nên nghiêm trọng hơn, theo tôi có lẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu GDP.
Do hiện nay chưa xác định được mức độ lây lan của dịch thế nào nên khó đưa ra được dự báo cho kịch bản tăng trưởng GDP. Vì dựa trên các chỉ tiêu, kế hoạch, Chính phủ xây dựng các kịch bản phát triển. Từ kịch bản đó của Chính phủ, các địa phương cũng xây dựng những kế hoạch, ngân sách của địa phương sao cho phù hợp với tăng trưởng đó ví dụ như đầu tư công.
Nếu chỉ tiêu tăng trưởng không thực tế thì tất cả các kế hoạch ở dưới cũng sẽ bị phá vỡ hết. Vì vậy, phải có chỉ tiêu tăng trưởng cho cả quốc gia, để từ đó các tỉnh, thành phố xây dựng những chỉ tiêu tăng trưởng, kế hoạch phát triển của địa phương. Nhưng chỉ tiêu tăng trưởng GDP của quốc gia còn phụ thuộc vào ảnh hưởng của dịch ra sao và mức độ kiểm soát dịch bệnh của chúng ta.
Kể từ đầu mùa dịch tới nay các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng khá mạnh, ví như du lịch hay giao thông vận tải. Vậy ông có nghĩ chúng ta sẽ cần những gói hỗ trợ nữa cho các DN trong thời gian tới?
- Khi dịch chưa quay trở lại thì nhiều DN cũng đã rất lao đao chứ chưa nói đến sắp tới tình hình sẽ như thế nào. Vì ngay cả khi sắp tới nếu chúng ta kiểm soát dịch bệnh tốt thì tác động của dịch đối với các DN cũng rất là mạnh. Nhiều DN chưa kịp phục hồi lại đối mặt với dịch lần nữa nên có thể mất hàng tháng, hàng năm sau mới phục hồi lại được.
Vì thế theo tôi, Chính phủ cần có những gói hỗ trợ mới, thiết thực hơn nữa cho các doanh nghiệp để “cứu sống” họ và duy trì lực lượng lao động, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi trong giai đoạn tới.
Vậy trong đợt này, theo ông chính sách hỗ trợ cần phải có sự điều chuyển và cụ thể ra sao?
- Ngân hàng cho vay thường có điều kiện kèm theo. Như vừa qua gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì đến nay các DN nhỏ và vừa không tiếp cận được nhiều, chỉ có một số DN được thụ hưởng.
Nhiều DN đang khó khăn bị “đóng cửa”, không tiếp cận được vì các ngân hàng cũng phải tuân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Không thể cho vay dưới chuẩn và phải bảo toàn vốn. Như thế nhiều doanh nghiệp đang khó khăn nhưng vẫn “bị loại” ra khỏi đối tượng được hỗ trợ.
Chính vì vậy tôi cho rằng, Chính phủ cần có gói hỗ trợ tương tự như gói hỗ trợ 250 nghìn tỷ đồng giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì. Qua đó giao cho các ngân hàng, và buộc các ngân hàng phải có tiêu chí rõ ràng, cụ thể những đối tượng nào được hưởng gói đó. Ví như tiêu chí DN bị giảm doanh thu, giảm lợi nhuận bao nhiêu do tác động của dịch, số lao động bị giảm thế nào thì được hỗ trợ.
Thực tế gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng hiện đã lên tới 700-800 nghìn tỷ đồng do nhiều ngân hàng thương mại đăng ký tham gia. Thế nhưng, “có tiếng nhưng không có miếng”, khi ngân hàng chỉ “nhắm” vào các khách hàng có khả năng trả nợ, còn nhiều DN bị tác động bởi dịch nhưng lại không được hỗ trợ. Bên cạnh gói tín dụng cho các ngân hàng thương mại, theo tôi Chính phủ phải có gói tín dụng của Chính phủ để hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ.
Chúng ta không có cơ chế Chính phủ đưa tiền xuống thẳng cho doanh nghiệp, mà phải thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Thương mại. Tuy nhiên, Chính phủ có cơ chế bảo lãnh tín dụng.
Cho nên hãy dùng cơ chế đó để “rót” tiền vào trong các Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Để từ đó, các Quỹ này bảo lãnh cho các ngân hàng để các ngân hàng yên tâm cho vay. Tôi nhấn mạnh rằng đây cũng là cơ chế nằm trong Nghị định 34 của Chính phủ năm 2018. Cho nên chúng ta cần áp dụng quy định này, sử dụng nó cho hiệu quả.
Bên cạnh các ngành khác thì du lịch và hàng không tiếp tục được dự báo là sẽ còn khó khăn trong thời gian tới. Hiện đang có 2 luồng ý kiến là cần ưu tiên cứu những DN vừa và nhỏ bởi đây là đối tượng “yếu thế”, nhưng cũng có ý kiến cứu cả những “ông lớn”. Quan điểm của ông?
- Đây cũng chính là vấn đề đang được đặt ra, bởi bây giờ các “ông lớn” cũng đang cần cứu. Nhưng nếu “cứu” các ông đó thì mấy ông nhỏ không được cứu vì ngân sách chúng ta có hạn. Hiện các DN lớn cũng đang lao đao, thuyền to gió lớn, càng lớn thì càng bị tác động nhiều. Như du lịch và hàng không hiện đang “sống dở chết dở”, vất vả lắm mà số tiền họ cần rất là lớn, trong khi các DN vừa và nhỏ cũng đang “sống dở chết dở”.
Cho nên Chính phủ cần có phương án, kế hoạch để giải cứu các DN một cách hài hòa, cả lớn lẫn nhỏ. Và ngay bản thân các “ông lớn” cũng phải có sự chia sẻ. Đây là bài toán khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!