Sau đại dịch Covid-19 văn hóa đóng vai trò then chốt trong phục hồi du lịch - ngành “công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa hai lĩnh vực này nếu thiếu sự đồng bộ sẽ tạo nên những hiệu ứng ngược.
Đa dạng các hoạt động
Tính đến ngày 29/6, Việt Nam đã có 74 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Có thể nói so với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang có cơ hội “vàng” trong việc phát triển du lịch nội địa gắn kết với văn hóa.
Đặc biệt, được khởi động từ đầu tháng 5/2020 với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã và đang là cầu nối cho người Việt Nam khám giá các giá trị văn hóa Việt. Ở đó, ghi nhận những động thái tích cực của những người làm văn hóa.
Đơn cử, tại Hà Nội với một chuỗi các hoạt động như lễ hội đường phố “Hà Nội – điểm đến xanh” diễn ra với sự tham gia của 3.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Đây là lễ hội đường phố đầu tiên, cũng là hoạt động văn hóa lớn nhất tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận được tổ chức sau khi dịch Covid-19 được không chế.
Đặc biệt, điểm khác biệt tại lễ hội diễu hành đường phố năm nay so với mọi năm là sự xuất hiện của đội ngũ thuộc khối tuyến đầu chống dịch gồm các y, bác sĩ, bộ đội, công an, cựu chiến binh, dân phòng.
Hay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa đưa ra nhiều ưu đãi với các gói hoạt động như 2 giờ vàng miễn phí; Trở về tuổi thơ; Ngày của gia đình; Vui hè: Kỳ nghỉ khó quên..
Không chỉ tại Hà Nội, “công thức” lấy văn hóa để kích cầu du lịch cũng đang được nhiều tỉnh, thành áp dụng. Mới đây, khu du lịch sinh thái Tràng An, Công ty Trực thăng miền Bắc (thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam) tổ chức Tour trải nghiệm dịch vụ ngắm cảnh Tràng An (Trang An Heli Tours) bằng máy bay trực thăng Bell 505; Hay Lào Cai với chuỗi hoạt động Lễ hội mùa Thu huyện Bát Xát năm 2020; Festival Bốn mùa năm 2020 tại Bắc Hà; Lễ hội Hoa hồng và rượu vang tại Sa Pa với nhiều hoạt động mới lần đầu tiên được tổ chức, làm điểm nhấn đặc biệt trong Lễ hội mùa Hè Sa Pa 2020, thu hút khách du lịch nội địa…
Tránh chạy theo phong trào
Thế nhưng bên cạnh những tín hiệu tích cực của du lịch Việt vẫn còn đó những “con sâu làm rầu nồi canh”, chạy theo doanh thu mà bỏ quên chất lượng.
Mới đây, tàu Hải Anh 10 QN-6018 đưa khách tham quan vịnh Hạ Long nâng giá quá cao so với giá hợp đồng ký trước đó đã bị UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) kiểm tra và ra văn bản đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép rời cảng, bến đối với tàu du lịch này trong thời gian 90 ngày.
Hay tình trạng ô nhiễm tại Nha Trang (Khánh Hòa) tại khu vực tuyến biển (phường Vĩnh Nguyên), khu vực Cửa Bé (phường Vĩnh Trường)…
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia du lịch cũng thừa nhận, hiện nay có một hiện tượng các tour giá rẻ kém chất lượng nhắm vào tâm lý ham rẻ của du khách của một vài doanh nghiệp du lịch cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá một cách vô tội vạ, phá giá thị trường.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp du lịch sau một thời gian “đóng băng” vì dịch Covid-19 đang cố gắng “thu hồi” vốn bằng các chương trình sai sự thật và bán những sản phẩm tour giá rẻ chất lượng dịch vụ kém cho du khách.
Cá biệt nhiều công ty khi tổ chức còn cắt bớt dịch vụ như để chương trình có nhiều ngày tự do, tự túc đồng nghĩa cắt bớt các bữa ăn để khách tự lo, giờ bay quá muộn, về quá sớm…
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Để không bị rơi vào tour giá rẻ kém chất lượng thì cần nhất là sự công khai minh bạch.
Theo đó, nếu các đơn vị tham gia chương trình kích cầu thì cần niêm yết công khai mức giảm giá, thời gian giảm giá. Chương trình phải được giám sát để tuân thủ các dịch vụ đã ký kết. Để làm được điều này, các tỉnh khi phát động chương trình kích cầu cần có nội dung rõ ràng như giảm giá vé tham quan theo từng giai đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch dịch vụ để có thể giảm giá, gia tăng dịch vụ. Do đó, đã khởi động chương trình kích cầu tại địa phương phải có tính liên kết và có cam kết cụ thể về lượng khách, thời gian thực hiện.
Ông Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận, gần đây, nhiều tỉnh làm theo phong trào, tổ chức hội nghị, chương trình phát động nhưng không rõ đâu là sản phẩm mới, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để tạo động lực kích cầu. Chương trình phát động kích cầu của các tỉnh thành gần đây chỉ mang tính hình thức chung chung gây tốn tiền ngân sách và đôi khi bị một số đơn vị kinh doanh du lịch tại địa phương lợi dụng treo biển kích cầu lừa dối du khách.