Sau khi có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều quán ăn, cửa hàng thời trang, trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rục rịch mở trở lại. Tuy nhiên, chủ động phòng, chống dịch bệnh nên hoạt động kinh doanh mua bán chưa thật nhộn nhịp.
TP Hồ Chí Minh áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng.
TP Hồ Chí Minh: Nhiều chương trình kích cầu
Chủ cửa hàng Jun Shop trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2 cho hay: “Gần một tháng phải đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội cộng với thời gian ế ẩm trước đó, vì vậy gần như mấy tháng cửa hàng không thu được gì. Hy vọng đợt này mở cửa sẽ chạy hàng hơn”. Theo các chủ cửa hàng thời trang, trông chờ là vậy song cũng còn nhiều khó khăn không kém. Dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế không ít cho nên người tiêu dùng tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”. Để thu hút khách mua hàng, nhiều nơi phải thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách giảm giá sản phẩm hoặc triển khai nhiều chương trình khuyến mãi đi kèm.
Ghi nhận cho thấy, một số cửa hàng thời trang tên tuổi như:Vascara, Canifa, John Henry,… trên các tuyến đường của thành thi nhau giảm giá từ 30 đến 50%. Tương tự, tại các trung tâm thương mại, một số mặt hàng thời trang đua nhau giảm giá. Đại diện Vincom cho hay, từ ngày 23/4, tất cả hệ thống trung tâm thương mại đồng loạt mở cửa. Trong đó, tất cả các gian hàng gồm thời trang, phụ kiện, gia dụng và ẩm thực... cung cấp lại đầy đủ các dịch vụ tiện ích và sản phẩm cần thiết đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trở lại với khách hàng sau giai đoạn giãn cách xã hội, hàng loạt thương hiệu lớn cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi như GAP, Super Dry, Adidas… cũng giảm giá từ 30 đến 50%.
Tại Robins Department Store và một số cửa hàng khác có chính sách mua 1 tặng 1... Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng Coco Ichibanya, Loteria đưa ra những combo ưu đãi món ăn hấp dẫn… Tranh thủ ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, hầu hết các hệ thống siêu thị lên chương trình giảm giá sản phẩm.
Siêu thị Coop.mart giảm giá từ 15 đến 50% cho tổng cộng hơn 3.400 mặt hàng. Không những giảm giá mạnh cho các mặt hàng thực phẩm như đường, sữa, gạo, thịt, rau củ quả, đơn vị này còn giảm giá gia vị, chất tẩy rửa diệt khuẩn, hóa mỹ phẩm, thời trang. Siêu thị Satra cũng đồng loạt khuyến mãi mua sản phẩm giá rẻ cho từng giá trị đơn hàng khác nhau.
Nói về các giải pháp khôi phục kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trước mắt các đơn vị sản xuất, hệ thống bán lẻ cần xây dựng lộ trình khôi phục sản xuất của ngành. Trong đó tập trung phát triển, đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng để phục hồi sản xuất.
Hàng ăn tại Hà Nội đã mở trở lại nhưng vắng khách. Ảnh: Quang Vinh.
Hà Nội: Quán đông, quán vắng
Vừa làm móng cho khách, chị Bùi Thị Hồng (phố Kim Ngưu, Hà Nội) vừa than thở: Sếp chị (chủ cửa hàng làm móng - gội đầu ở phố Lê Đại Hành) vừa nhắn với chị nên chủ động tìm kiếm chỗ làm mới đi, vì kể cả hết đợt cách ly, cửa hàng cũng chưa có khách lại ngay được, nhanh nhất cũng phải nửa tháng nữa khách mới quay lại. Theo chị Hồng, chủ cho thuê cửa hàng cũng đang rục rịch huỷ hợp đồng thuê nên rất có thể sẽ thất nghiệp thêm một thời gian nữa.
Thực hiện chủ trương nới lỏng dần các hoạt động kinh tế, tuy nhiên Chủ tịch UBND TP Hà Nội vẫn chưa cho phép các quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử… hoạt động trở lại, các dịch vụ này vẫn phải tiếp tục đóng cửa ít nhất đến ngày 30/4. Đặc biệt, thành phố nghiêm cấm hoạt động quán nước chè và quán bán trà chanh vỉa hè, bởi những quán nước này có ghế ngồi thấp, nguy cơ lây nhiễm cao. Chính bởi vậy nhiều dịch vụ vẫn đang “ngồi yên” chờ đến ngày lệnh “cấm vận” được công bố chính thức “mở”.
Chị Thu Giang, chủ shop quần áo thời trang trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) cho biết, cả phố đóng cửa hàng gần tháng nay để thực hiện “lệnh” cách ly chống dịch, nay thành phố cho phép hoạt động trở lại cũng đúng ngày Mùng 1 nên nhiều cửa hàng mở cửa từ rất sớm. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ vẫn tiếp tục đóng cửa vì cho rằng, mở cửa vẫn chưa có được lượng khách trở lại như trước khi có lịch cách ly.
Ông Trần Văn Quang - chủ quán cà phê ở phố Lê Trọng Tấn cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, ngày nào anh cũng nhận được hàng chục cuộc điện thoại của khách quen “đòi” uống cà phê tại quán.
“Kể từ khi có thông tin được bán hàng trở lại, hai ngày nay cả nhà lao vào chuẩn bị để sáng ngày 24/4 mở hàng. Nghỉ lâu quá nên cũng sợ mất khách, tối trước ngày mở hàng, tôi đã goi khách “ruột” đến mở hàng sau hơn một tháng tạm nghỉ”- ông Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, không như những gì mình lo lắng, ngay sáng đầu tiên sau khi hết lệnh cách ly, quán của ông Quang đã rất đông khách trở lại, tuy nhiên mọi người vẫn thực hiện ngồi cách xa và phần lớn vẫn đeo khẩu trang khi ngồi nói chuyện. “Ý thức của mọi người trong việc phòng chống dịch bệnh vẫn rất tốt”- ông Quang cho biết.
Nhìn chung, vui mừng khi giãn cách xã hội được nới lỏng nhưng những ngày đầu tiên các hoạt động vẫn cầm chừng.
Bến xe khách vẫn thưa người
Mặc dù mới cho phép hoạt động trở lại sau gần một tháng tạm ngưng nhưng ghi nhận ngày 24/4, nhiều bến xe khách liên tỉnh ở TP HCM lại khá thưa thớt, vắng khách đến và đi. Nguyên nhân chủ yếu là người dân còn e dè khi sử dụng vận tải hành khách công cộng và nhiều doanh nghiệp chưa dám hoạt động trở lại vì bị giới hạn nhiều tiêu chí.
Tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), bến xe lớn nhất ở TP HCM, do rất ít khách đến và đi nên nhiều nhà xe chưa hoạt động, nhiều dịch vụ ăn uống cũng chưa mở bán trở lại.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Tổng giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, theo chỉ đạo của Sở GTVT TP HCM, các hãng xe dù hoạt động nhưng sẽ bị cắt giảm số chuyến/tuyến. Ngoài ra, các xe cũng phải xịt khử trùng, khử khuẩn, bố trí nơi rửa tay sát khuẩn cho hành khách. Với hành khách đi xe thì phải khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế…
Tương tự, tại bến xe Miền Tây trong ngày 24/4 cũng rất ít khách đến và đi. Nhiều nhà xe mở bán vé nhưng không có khách tới mua.
Đoàn Xá