Khác với mọi năm, đến thời điểm này số lượng các chương trình nghệ thuật phục vụ cho thiếu nhi dường như đang có dấu hiệu chững lại, nhiều đơn vị không còn mặn mà với các sản phẩm nghệ thuật giành cho đối tượng khán giả nhí.
Cảnh trong vở kịch “Con chim xanh”.
Bình mới rượu cũ
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 nhưng tại các sân khấu Thủ đô ngoài Nhà hát Tuổi trẻ đã lên lịch biểu diễn còn lại hầu như các đơn vị nghệ thuật gần như vẫn chưa có các chương trình biểu diễn cho thiếu nhi cụ thể. Theo kế hoạch, Nhà hát Tuổi trẻ trong dịp hè này sẽ cho ra mắt liền 3 chương trình gồm “Con chim xanh”, “Mảnh Lego màu đỏ” và “Cuộc phiêu lưu của gà trống choai”. Đơn vị nghệ thuật “quen mặt” Đông Đô Show cũng vừa lên lịch trình diễn 3 chương trình kịch, nghệ thuật tổng hợp dành cho thiếu nhi, đó là “Thám hiểm vương quốc Xì Trum”, “Ăn khế trả vàng”, “Truyền thuyết Spiderman”…
Tuy nhiên, trong xu hướng xây dựng các chương trình nghệ thuật giành cho thiếu nhi nhiều năm trở lại đây, tính chất “mùa vụ” đang làm ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng của các vở diễn.
Bên cạnh số lượng các vở diễn ngày càng ít đi thì chất lượng vẫn đang quẩn quanh với cách làm khá xưa cũ. Mặc dù các đơn vị đã cố gắng cập nhật hình thức thể hiện theo xu hướng những nhân vật hoạt hình đang được yêu thích như Xì trum, Spiderman, Đoremon…
Nhưng thực sự vẫn chưa thoát ra khỏi “cái bóng” của cổ tích, những nhân vật hoạt hình hay tạp kỹ. Đơn cử như chủ đề cổ tích luôn là một thế giới thần tiên phù hợp với lứa tuổi, hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi, nhưng thực tế sự đây cũng chỉ là sự ăn theo “bình mới, rượu cũ”.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong nhiều năm dù rất nhiều chủ đề được khai thác, nhưng với nhiều đứa trẻ chỉ cần đi xem 2 đến 3 chương trình cũng có thể dễ dàng nhận ra các tiết mục quen thuộc.
Như xiếc chó vẫn là màn tập đếm từ 1 đến 10 hay các tiết mục nhào lộn, hề xiếc vốn đã được các nghệ sĩ diễn đi, diễn lại trong suốt nhiều năm…
Cơ hội nào cho trẻ em
Đặt câu hỏi về “cái khó” khi làm các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi, nhiều nhà hát cũng như các công ty tổ chức biểu diễn thực tế cũng đưa ra nhiều lý do.
Trong đó, nhiều đơn vị cho rằng hiện nay sân khấu kịch không dễ chiến thắng với các trò chơi điện tử trong cuộc chiến giành giật khán giả.
Gắn bó với sân khấu kịch thiếu nhi nhiều năm, NSƯT Xuân Bắc- Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: Làm kịch cho thiếu nhi mà không có cái tâm thì rất nguy hiểm.
“Để kịch thiếu nhi trở thành một món ăn tinh thần hấp dẫn và thường xuyên của các em, có lẽ điều quan trọng là cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các nghệ sĩ trong sứ mệnh phục vụ đối tượng khán giả đặc biệt quan trọng này”- NSƯT Xuân Bắc cho hay.
Tuy nhiên, thời gian qua 2 vở diễn vở “Aladanh và cây đèn thần” và “Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh” đã thu hút được một lượng lớn khán giả thiếu nhi.
Cả 2 vở diễn dù nội dung không mới, đều là những chương trình dài hơi của các Nhà hát. Đây cũng vốn là các tiết mục “đắt hàng” trong chương trình phục vụ thiếu nhi như Quốc tế thiếu nhi 1-6 hay rằm Trung thu, Noel...
Nhìn chung, khúc mắc ở đây là làm sao tạo được một thói quen cho khán giả, đặc biệt là các bậc phụ huynh có được thói quen bỏ tiền ra mua vé xem nghệ thuật cho con em mình đi xem. Các nhà hát, các đơn vị tổ chức biểu diễn cần có những động thái nối nhịp cầu đưa vở diễn hay, hấp dẫn đến được với khán giả “nhí”.