Sáng 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất hiện nay là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; kiềm chế, đẩy lùi, tiến tới dập tắt dịch bệnh, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, an toàn, an sinh xã hội; kết thúc năm học và tổ chức an toàn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.
Thủ tướng yêu cầu kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, trong đó lấy tấn công là chính, mang tính đột phá, phòng ngừa là quan trọng, quyết định; thực hiện phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, với phương châm “5K + vaccine + công nghệ”.
Tại Hội nghị trực tuyến, điểm cầu trụ sở Chính phủ được nối với điểm cầu tại 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các huyện, thị xã, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trên toàn quốc.
Dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong đợt dịch thứ 4, tính đến 6 giờ, ngày 29/5, cả nước đã ghi nhận 3.805 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 3.594 trường hợp ghi nhận trong nước và 12 trường hợp tử vong. Đã có 182 trường hợp được điều trị khỏi, hiện đang điều trị 3.611 trường hợp. Đã có 8 địa phương qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
Thực hiện chiến lược vaccine, đến nay Việt Nam đã có ký kết, cam kết hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Trong đó, ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân, người dân tại hai địa phương này nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, dịch bùng phát với số ca mắc cao, dự báo lây lan trong các khu công nghiệp và ra cộng đồng. Các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng. Mặc dù vậy, cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát.
Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ, từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện.
Mục tiêu cao nhất hiện nay là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các cấp, các ngành và toàn dân, nhất là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và các địa phương đang là trọng tâm của dịch bệnh, đã vào cuộc một cách tập trung, có trách nhiệm trong phòng, chống dịch Covid-19, vì sức khỏe nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng nhận định, dịch Covid-19 đang được kiểm soát, song cục bộ tại một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp; biến thể virus gây bệnh trong đợt dịch này nguy hiểm hơn; dịch bệnh lây lan mạnh trong các khu công nghiệp, tại các điểm sinh hoạt tôn giáo...
Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có cả do khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chính. Một số địa phương, đơn vị còn lơ là, chủ quan, không nắm chắc tình hình; một bộ phận nhân dân mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Thủ tướng khẳng định, mục tiêu cao nhất hiện nay là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; kiềm chế, đẩy lùi, tiến tới dập tắt dịch bệnh, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, an toàn, an sinh xã hội; kết thúc năm học và tổ chức an toàn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, trong đó lấy tấn công là chính, mang tính đột phá, phòng ngừa là quan trọng, quyết định; thực hiện phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, với phương châm “5K + vaccine + công nghệ”.
Về nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo, các cấp, các ngành quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc; tổng tiến công toàn diện, thần tốc, mạnh mẽ hơn, với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung cao hơn, có trọng tâm, trọng điểm để phòng, chống dịch nhanh và hiệu quả hơn nữa; phát huy, vận dụng tốt hơn nữa những kết quả đạt được, sáng tạo, linh hoạt hơn nữa trong phòng, chống dịch.
Huy động mọi nguồn lực hợp pháp, chung sức phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện “chiến lược vaccine” và tại các điểm “nóng” của dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, song khuyến khích phát huy tinh thần, trách nhiệm cá nhân, năng động, sáng tạo trong phòng, chống dịch. Kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh, cư trú trái phép.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, tổ chức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, nhất là tại các doanh nghiệp. Tuyên truyền cho người dân hiểu để cùng tham gia phòng, chống dịch, vừa là để bảo vệ chính mình, vừa góp phần bảo vệ cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc....
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 Vũ Đức Đam chịu trách nhiệm chỉ đạo chung về phòng, chống dịch. Giao Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo phòng, chống dịch tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Giao Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đảm bảo phòng, chống dịch tại Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, cùng các địa phương phòng, chống dịch. Trong đó, các bộ, ngành không nói thiếu kinh phí, không nói thiếu nguồn nhân lực, không nói thiếu cơ chế, không nói thiếu vật tư, thiết bị, sinh phẩm trong phòng, chống dịch. Nếu có khó khăn, vướng mắc cần bàn giải pháp và trình cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời.