Kiềm chế lạm phát như thế nào?

H.Hương 28/04/2022 09:15

Giá xăng dầu đã bật tăng trở lại, giá nguyên vật liệu đầu vào cho nhiều ngành hàng sản xuất cũng tăng. Trong khi đó, điều dễ nhận thấy việc tăng giá xăng dầu và nguyên liệu sản xuất rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá cả hàng hóa, cố gắng duy trì mức giá thấp. Ảnh: Quang Vinh

Giá hàng hóa biến động

Chị Đinh Thu Huyền (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Người dân rất quan tâm đến giá xăng dầu, giá xăng dầu điều chỉnh là giá hàng hoá cũng điều chỉnh theo. Giá xăng dầu tăng thì giá hàng hóa tăng ngay nhưng nếu xuống thì chẳng thấy giá hàng hóa xuống. Chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ hơn trong khi người dân khó khăn tìm việc làm, thu nhập giảm do dịch bệnh.

Là người trực tiếp chi tiêu sinh hoạt mỗi ngày, chị Thanh Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giá nhiều loại rau xanh và thực phẩm chế biến sẵn như sữa, mì ăn liền, muối, nước mắm… đều tăng đáng kể trong thời gian qua. “Mỗi thứ tăng một chút và đều vin vào giá xăng dầu tăng nên chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng”- chị Hà băn khoăn.

Ghi nhận tại thị trường, giá rau củ có xu hướng đi ngang. Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt 12.000 đồng/kg, giá rau xà lách 21.000 đồng/kg, cà chua 12.000 đồng/kg; bầu sao, mướp, bí xanh 10.000 – 12.000 đồng/kg; mồng tơi 15.000 đồng/kg; su su 15.000 đồng/kg; cà rốt, khoai tây 12.000 đồng/kg.

Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, tôm, ngao, sò,… ghi nhận thấy giá tăng nhiều hơn so với mặt hàng rau, củ quả. Ví dụ như, tôm thẻ loại lớn (15 – 20 con/kg) tăng từ 220.000 lên 270.000 đ/kg (tăng 50.000 đồng/kg); mực tăng từ 30.000 - 40.000 thậm chí 50.000 đồng/kg, ở mức 250.000 – 280.000 đ/kg so với trước đó. Với mặt hàng thịt, thịt heo tăng trung bình 5.000 – 10.000 đồng/kg so với một tháng trước đó, mông sấn 85.000 đồng/ kg, thịt ba chỉ 110.000 đồng/kg, sườn non 120.000 đồng/kg.

Nhiều tiểu thương tại chợ Gia Lâm (Hà Nội) cũng cho biết, đối với giá cả ở các chợ truyền thống hiện nay phụ thuộc vào lượng hàng do tiểu thương chuẩn bị trong ngày, vì vậy giá thường được điều chỉnh liên tục nhưng nhìn chung hàng như rau, củ quả 2 tuần nay không biến động nhiều.

Trong khi đó với mặt hàng dầu ăn, mỳ tôm, nước mắm giá thay đổi do nhà sản xuất điều chỉnh. Chẳng hạn dầu ăn Neptuyn 5l giao động 169.000 đồng/can, dầu ăn Simply 5l có giá 165.000 đồng/can.

Tiểu thương Hoàng Thu Hằng (chợ Gia Lâm) cho biết, giá hàng hóa tăng do giá nhập tăng, do chi phí vận chuyển hàng hóa từ nhà máy về tăng, chi phí xăng dầu phục vụ tưới tiêu cũng tăng cao. Trong khi đó tại chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá có nhỉnh hơn, giá rau xà lách xoăn 46.000 đồng/kg, cà chua, bầu sao, bí xanh 25.000 đồng/kg; khoai tây, cà rốt 20.000 đồng/kg.

Còn tại các siêu thị thường có sự thống nhất chung với nhau. Hiện nay các siêu thị như chuỗi Co.op Mart, Big C,.. vẫn đang áp dụng các chương trình khuyến mãi giảm giá. Như chuỗi Co.op Mart cũng giảm giá cho nhiều mặt hàng như hành tây, chuối tiêu; Chuỗi Big C cũng có chương trình ưu đãi mừng đại lễ với nhiều mặt hàng giảm giá.

Theo tìm hiểu, một số nhà cung ứng hàng hóa đã gửi bảng giá mới đến một số siêu thị từ cuối tháng 3. Gần đây nhất Công ty cổ phần Sữa Việt Nam thông báo tăng giá một số sản phẩm trong phạm vi 5% với thời gian thực hiện từ ngày 20/4/2022 và 1/5/2022.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện nay không có tình trạng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu khan hiếm, tăng giá, có được như vậy là bởi các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa nhất định.

Nhiều đại diện siêu thị cũng khẳng định, sẽ không có trường hợp giá cả tăng đột biến. Hiện doanh nghiệp đang làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá cả hàng hóa trong thời gian tới, cố gắng duy trì được mức giá thấp có lợi cho người tiêu dùng.

Nhiều loại rau xanh tại Hà Nội cũng bắt đầu lên giá.

Lạm phát dưới 4% - mục tiêu ngày càng khó?

Tuy nhiên điều dễ nhận thấy rằng, trong thời gian vừa qua và ngay hiện tại việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực vận tải.

Do vậy, giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng. Đáng lưu ý do giá xăng dầu tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine nên đã che lấp những tác động tích cực của các chương trình phục hồi kinh tế (chẳng hạn như gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng dịch vụ).

Giới chuyên gia cho rằng quý I/2022 ghi nhận sự biến động rất đặc biệt do yếu tố địa chính trị cộng với vấn đề dịch bệnh. Trong đó, bất ổn cao nhất tác động đến lạm phát là diễn biến giá cả xăng dầu trên thế giới biến động ở biên độ rất lớn, thậm chí tới 5-6% trong ngày. Cụ thể như trong tháng 3/2022, dao động biến đổi giá lên tới 18-20%. Điều này tác động tiêu cực đến sản xuất và kinh doanh xăng dầu Việt Nam nói riêng, cũng như toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung. Về biến động giá cả thời gian tới, đánh giá chung là giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao và có những biến động khó lường.

Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, vẫn phải đảm bảo cân đối cung – cầu xăng dầu, không để thiếu hụt dẫn tới ảnh hưởng xấu tới tâm lý người tiêu dùng, khiến mặt bằng giá cả tăng cao.

Trước những biến động của giá xăng dầu trên thế giới, ngay lập tức Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan quản lý đã họp bàn sử dụng nhiều công cụ điều hành. Trong đó, giao kế hoạch DN nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung đến sử dụng tối đa các quỹ, thậm chí có đề xuất linh hoạt với thuế, kể cả thuế môi trường để làm sao ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, không chỉ là mặt hàng xăng dầu mà với các hàng hoá khác cũng vậy, điều cơ bản là Việt Nam đảm bảo được nguồn cung, không bị đứt gãy, phục vụ phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Vậy nhưng, vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% để hỗ trợ cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế? PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ bị ảnh hưởng do xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu, cùng xung đột Nga - Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, qua đó tác động lớn đến chi phí sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Đáng lưu ý, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, làm gia tăng rủi ro lạm phát. Các chuyên gia cũng dự báo diễn biến giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đặt ra thêm những thách thức rất lớn cho nền kinh tế.

Cần giải pháp nâng cao năng suất của nền kinh tế

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các mô hình phân tích hiện tại mới tính tác động của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào, lương thực, thực phẩm trong vài vòng và điều này chưa đủ để bao quát vòng xoáy sau đó. Điều đáng lo ngại là nếu lạm phát chi phí đẩy làm cho chi phí tăng lên và sản xuất bị đình trệ khiến cung giảm.

Ông Nghĩa cũng dự báo, giá xăng dầu sẽ ở mức 100 - 110 USD/thùng, giảm bớt căng thẳng về dự trữ xăng dầu toàn cầu. Đối với Việt Nam, dù nhập khẩu lạm phát thông qua con đường giá nhiên liệu và vật liệu đầu vào, song cũng xuất khẩu chính lạm phát đó và như vậy giảm nhẹ lạm phát chi phí đẩy. Đặc biệt, việc kiểm soát cung tiền đã được triển khai tốt thời gian qua giúp lạm phát chi phí đẩy được khống chế nhanh và không bị kích hoạt tăng lên bởi lạm phát cầu kéo.

“Tôi tin rằng nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý thì mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% có thể đạt được. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8% - 3,9%”- ông Nghĩa chia sẻ.

Trong khi đó từ những số liệu của kinh tế vĩ mô Việt Nam trong quý I/2022, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng đặt ra yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.

WB cho rằng, trong ngắn hạn, cần có biện pháp can thiệp chính sách có mục tiêu để loại bỏ tác động của giá cả tăng đối với người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương. Trong trung hạn, theo WB, các biện pháp khác bao gồm một hệ thống đảm bảo xã hội hiệu quả và có khả năng ứng phó tốt hơn, giúp xây dựng khả năng chống chịu trong nền kinh tế. Nếu tình trạng giá cả tăng kéo dài thì nên cho phép nền kinh tế điều chỉnh và thích nghi với thay đổi giá cả. Theo đó, nên cân nhắc có những cải cách mang tính cấu trúc để giúp nâng cao năng suất của nền kinh tế và tăng tổng cung. Các biện pháp có thể áp dụng bao gồm giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư cho sản xuất và đổi mới sáng tạo, giảm rào cản trong môi trường kinh doanh, giảm chi phí logistics, đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động.

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ NGUYỄN TRUNG TIẾN:

Cần có quyết tâm lớn kìm lạm phát

Việc trở lại trạng thái bình thường mới, du lịch, sản xuất kinh doanh mở lại sẽ làm tăng mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm và tác động nhiều tới CPI. Ngoài ra, giá sản xuất hàng hóa chịu áp lực tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng từ quý II/2021 nhưng chưa tăng được do cầu yếu, cùng với chính sách quản lý chưa tăng giá sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới. Giá xăng dầu vẫn phụ thuộc vào cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và kể cả có chấm dứt thì giá xăng dầu chắc chắn vẫn cao hơn so với năm 2021, kéo theo tác động đến chi phí đầu vào của tất cả các ngành kinh tế.

Do vậy, CPI năm 2022 có xu hướng tăng song mức độ tăng phụ thuộc vào thị trường thế giới cũng như sự điều hành linh hoạt của Chính phủ. Lạm phát có thể giữ 4% nhưng đây là công việc khó. Mong rằng Chính phủ cũng như Ngân hàng nhà nước linh hoạt, với kinh nghiệm những năm trước, cần có quyết tâm lớn thì mới đạt được mục tiêu.

THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH VÕ THÀNH HƯNG:

Làm tốt công tác điều hành thị trường

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4% chúng ta phải xử lý đồng thời cả 3 hướng: Một là giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy; Thứ hai là thúc đẩy cung hàng hóa; Thứ ba làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý. Về tổng thể, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã họp và các bộ, cơ quan Trung ương cơ bản đã thống nhất từ nay đến cuối năm, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến hàng hóa, từ đó có phương án, giải pháp điều hành phù hợp; thực hiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, để tăng cung hàng hóa trong nước; làm tốt công tác điều hành thị trường để vận hành cung cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn.

Bên cạnh đó cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ; mọi người dân và doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí, từ đó giảm thiểu tác động của giá thế giới tới thị trường trong nước.

T.Hằng(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiềm chế lạm phát như thế nào?