Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về kiểm định chương trình đào tạo đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) sư phạm trong đó đề xuất 8 tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo.
Tăng số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định
Thống kê của Bộ GDĐT, tính đến ngày 31/7/2024, theo tiêu chuẩn trong nước, có 268 cơ sở đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 1. Trong đó, có 242 cơ sở giáo dục ĐH và 22 trường CĐ sư phạm. Có 116 cơ sở giáo dục ĐH hoàn thành tự đánh giá chu kỳ 2. Có 193 cơ sở giáo dục ĐH và 11 trường CĐ sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 1.
Ghi nhận đến nay cả nước ta có tổng cộng 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó, có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập và 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân. Bên cạnh đó, hiện ở nước ta còn có 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được được Bộ GDĐT tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam.
Xác định tầm quan trọng của việc thực hiện kiểm định chất lượng, ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78 về việc Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”. Chương trình đặt ra mục tiêu Quyết định số 78 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2022 - 2030” đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 35% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; trong đó có ít nhất 10% số chương trình đào tạo đạt theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Lộ trình thực hiện, minh bạch, thực chất
Trên thực tế, tại Việt Nam, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH chính thức được triển khai từ năm 2004 với Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường ĐH do Bộ GDĐT ban hành theo Quyết định số 38 ngày 2/12/2004. Và sau này chính thức được luật hóa tại Luật Giáo dục 2005. Trải qua 20 năm, đến nay hành lang pháp lý về vấn đề đảm bảo và kiểm định chất lượng tiếp tục được hoàn thiện. Gần đây nhất, Bộ GDĐT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về kiểm định chương trình đào tạo ĐH và CĐ sư phạm và thay thế các Thông tư có liên quan.
Khác với Thông tư 04 đang áp dụng, dự thảo Thông tư sửa đổi đã tích hợp hướng dẫn chuyên môn và biểu mẫu vào các phụ lục kèm theo. Bộ tiêu chuẩn trong dự thảo gồm 8 tiêu chuẩn và 52 tiêu chí kèm theo Phụ lục hướng đánh giá tiêu chí và Phụ lục các biểu mẫu. So với Thông tư 04, dự thảo sửa đổi rút gọn từ 11 tiêu chuẩn xuống 8 tiêu chuẩn, khắc phục được sự chồng chéo khi đánh giá theo tiêu chuẩn của Thông tư 04.
Dự thảo Thông tư sửa đổi thay đổi cách đánh giá tiêu chí tiêu chuẩn và chương trình đào tạo phù hợp với thông lệ quốc tế về kiểm định chất lượng, thay vì 7 mức đánh giá như hiện hành, dự thảo sửa đổi hiện còn 2 mức (đạt/không đạt).
Trước đó, Bộ GDĐT tạo đã ban hành Thông tư 13/2023 quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và CĐ sư phạm. Sự ra đời của Thông tư 13 này theo các chuyên gia đã khắc phục một trong những điểm bất cập trong phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam là thiếu sự giám sát, kiểm định các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
Với dự thảo Thông tư mới này, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, những điều chỉnh sẽ góp phần nhằm đảm bảo quy trình kiểm định chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu người học.
Trong đó, bên cạnh việc mở rộng quyền của tổ chức kiểm định trong việc phát triển các công cụ đánh giá ngoài, dự thảo cũng đưa ra các yêu cầu định lượng gắn với việc “có minh chứng” để hạn chế việc đối phó trong quá trình tạo ra minh chứng cung cấp cho đoàn đánh giá ngoài. Điều này sẽ giúp việc đánh giá đi vào thực chất, minh bạch hơn.