Kiểm định giáo dục Đại học: Vẫn bỏ ngỏ chuẩn đầu ra

Dung Hòa 09/09/2023 14:00

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), đến ngày 31/7, cả nước có 183 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và 11 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước. 9 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài. Tổng số cơ sở giáo dục ĐH thực hiện kiểm định chiếm khoảng 76%.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học là yêu cầu bắt buộc.

Nhiều tiêu chí ở mức thấp

Cụ thể hơn, theo báo cáo nói trên, về chương trình đào tạo, có 864 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 399 chương trình tiêu chuẩn nước ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện phần lớn cơ sở giáo dục ĐH đạt kiểm định. Dẫu thế kết quả đánh giá cho thấy còn nhiều tiêu chí đạt mức chất lượng thấp. Cụ thể, tiêu chí của bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục gồm 7 mức tương ứng với thang đo từ 1 đến 7 điểm; tiêu chí được đánh giá ở mức 4 là mức đạt. Qua thống kê từ 122 đơn vị đạt kiểm định, có 47 cơ sở (38,5%) thuộc nhóm có từ 2 - 10 tiêu chí chưa đạt mức 4; 75 cơ sở (61,5%) có trên 10 tiêu chí chưa đạt mức 4 điểm. Tương tự với chương trình đào tạo, còn nhiều tiêu chí đạt mức dưới 4… Điều này phản ánh bức tranh chất lượng giáo dục và các cơ sở giáo dục ĐH cần làm nhiều hơn nữa việc đảm bảo và phát triển chất lượng.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay cho thấy, trong chu kỳ đánh giá thứ nhất, việc xây dựng chuẩn đầu ra mới chỉ có hơn 30% chương trình đào tạo đạt yêu cầu. Việc đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra cũng chưa được quan tâm nhiều kể cả hai phía: cơ sở giáo dục ĐH và các đoàn chuyên gia đánh giá ngoài. Vậy nên, bài toán đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học khi tốt nghiệp vẫn còn đang để ngỏ.

Cũng theo ông Đức, trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục, khả năng đối sánh hạn chế. Trong khi đối sánh, so chuẩn là một trong những công cụ hiệu quả của đánh giá chất lượng, đặc biệt là đảm bảo chất lượng bên trong, phải được thực hiện thường xuyên, trước, trong và sau kiểm định chất lượng giáo dục.

Tránh kiểm định kiểu “đi tắt”

Từ năm 2012, Luật Giáo dục ĐH quy định buộc các trường ĐH phải kiểm định chất lượng. Đến nay, đã có hàng trăm cơ sở giáo dục và hơn 1.000 chương trình đào tạo được kiểm định. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế cần thay đổi.

Trên thực tế, Trung tâm kiểm định của ĐH Quốc gia TPHCM đã từng có 2 lần đánh giá không đạt cơ sở giáo dục ĐH do chưa đáp ứng được các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn kiểm định. TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, đạt được kiểm định sẽ giúp cho các cơ sở ĐH tăng uy tín, thu hút tuyển sinh. Đặc biệt kiểm định là điều kiện để được tự chủ, từ đó có thể tăng chỉ tiêu, tăng học phí. Vì vậy, theo ông Chính, bên cạnh các trường mong muốn kiểm định để nâng cao chất lượng thực sự nên họ làm nghiêm túc bài bản và bền vững, thì vẫn có các trường coi kiểm định như "mục đích" chứ không phải "phương tiện", chạy đua kiểm định để đạt một mục đích khác, nên dùng cách đi tắt đón đầu.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng đánh giá rằng, việc kiểm định chất lượng giáo dục là bắt buộc nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên không thể phủ nhận là trong giai đoạn vừa qua, vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục ĐH coi mục tiêu đạt kiểm định là đích đến, nên triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng còn hình thức, đối phó nên không hiệu quả và bền vững.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, chỉ khi nào cơ sở giáo dục ĐH quán triệt và chủ trương thực hiện kiểm định chất lượng là để nhận diện và tìm ra các giải pháp nâng cao năng lực thực thi sứ mạng, năng lực phục vụ cộng đồng và năng lực cạnh tranh của mình thì việc kiểm định mới thể hiện được vai trò.

Quyết định phê duyệt chương trình phát triển hệ thống đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2022 - 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025: 100% cơ sở đào tạo hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; 100% cơ sở đào tạo hoàn thành tự đánh giá; 95% đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất và 70% đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ 2. Cùng với đó, đến năm 2025 phải có 35% chương trình đào tạo được kiểm định và đến năm 2030 là 80%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm định giáo dục Đại học: Vẫn bỏ ngỏ chuẩn đầu ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO