Từ ngày 25/11/2022, quy định kiểm định viên giáo dục đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) sư phạm phải có từ 5 năm trở lên là giảng viên hoặc hoạt động trong lĩnh vực quản lý giáo dục ĐH, CĐ sư phạm chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh đội ngũ kiểm định viên đang thiếu về số lượng, vấn đề chất lượng vẫn cần tiếp tục được cải tiến, nâng tầm.
Hạn chế về nhân lực
Tại hội nghị tổng kết công tác kiểm định chất lượng (KĐCL) giai đoạn 2011-2020, thống kê từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy, cả nước có 346 kiểm định viên được cấp thẻ. Trong đó, có 9 người được đặc cách, 337 người đạt yêu cầu và được cấp thẻ kiểm định viên. Như vậy, so với tổng số trường ĐH, CĐ sư phạm là hơn 200 trường thì trung bình, mỗi trường có chưa tới 2 kiểm định viên.
Đó là về số lượng còn về chất lượng, theo các chuyên gia, kiểm định viên phải là người có khả năng thực hiện mục tiêu kép là vừa đáp ứng tốt yêu cầu đánh giá theo đúng quy định của bộ tiêu chuẩn, vừa có khả năng khuyến nghị, định hướng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng cho các trường được kiểm định. Điều này nếu như không phải là một người đã được tích tích lũy kinh nghiệm trong giáo dục ĐH thì khó có thể đạt được.
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT, quy định mới về việc kiểm định viên phải có từ 5 năm trở lên là giảng viên hoặc hoạt động trong lĩnh vực quản lý giáo dục ĐH, CĐ sư phạm là phù hợp và cần thiết. Chỉ khi tham gia vào thực tiễn hoạt động tại nhà trường thì những khuyến nghị đặt ra mới thực sự đúng, trúng và sát với định hướng, mục tiêu của nhà trường, nếu không sẽ chỉ là lý thuyết sách vở.
Ông Khuyến cho rằng, không chỉ được đào tạo bài bản, có chứng chỉ kiểm định viên mà đội ngũ này sẽ có lợi thế nếu từng trải nghiệm qua nhiều công việc cụ thể ở các trường, có thể là giảng viên đến các vị trí quản lý… Kinh nghiệm thực tiễn ở các trường cộng thêm thời gian làm công tác quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, được tiếp cận với các xu hướng mới của giáo dục ĐH khi làm việc ở các bộ, ngành... thì quá trình tham gia đánh giá ngoài, KĐCL sẽ sát hơn rất nhiều.
Về phía các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, dù ngày nay đều nhận thức rõ vai trò của KĐCL giáo dục là một khâu then chốt để nâng cao chất lượng của mỗi nhà trường. Song trên thực tế, để đạt được KĐCL đòi hỏi các trường ĐH phải có sự đầu tư nghiêm túc, dài hơi. Trong đó, để có được cán bộ kiểm định viên đạt chất lượng cần có sự tạo điều kiện của nhà trường về việc cử đi học, học xong áp dụng vào thực tiễn… Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM chia sẻ thực tế trường cử nhiều người đi học, nhưng đến nay mới chỉ có 1 người được cấp thẻ kiểm định viên. Vì vậy, các trường cần có thêm chính sách và giảm tải để kiểm định viên chú tâm vào công tác kiểm định.
Chưa có trường đạt 100% chương trình đào tạo được kiểm định
Mặc dù đảm bảo chất lượng được xem là vấn đề sống còn của các cơ sở GDĐT để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế song đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở giáo dục ĐH nào có 100% chương trình đã được kiểm định. Phần lớn các trường chỉ chọn những chương trình đào tạo mạnh nhất của mình để triển khai việc kiểm định trước.
Lãnh đạo Trường ĐH Thương mại cho biết, đến nay trường đã có 10/16 chương trình đào tạo chính quy trình độ ĐH được chứng nhận KĐCL giáo dục. Hiện trường đã có kế hoạch triển khai việc mời đánh giá ngoài 6 chương trình còn lại.
Thông tin từ ĐH Huế cho biết, 8 trường ĐH thành viên đã hoàn thành đánh giá nội bộ cấp ĐH Huế chất lượng cơ sở đào tạo. 7/8 đơn vị (ngoại trừ Trường ĐH Nghệ thuật) đã hoàn thành KĐCL cơ sở giáo dục và 7 đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó Trường ĐH Y - Dược đã hoàn thành và đạt chuẩn KĐCL cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Có 21 chương trình đào tạo đã được kiểm định cấp quốc gia, nhiều chương trình khác cũng hoàn thành tự đánh giá, đang chuẩn bị đánh giá ngoài theo chuẩn quốc gia.
Đây là một trong số ít các cơ sở đã thực hiện KĐCL chương trình đào tạo. Cụ thể, theo thông báo gần đây nhất của Bộ GDĐT, cả nước có 609 chương trình đào tạo ĐH chính quy đã được kiểm định, trong đó 373 chương trình (của 72 trường ĐH) được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định trong nước, 236 chương trình (của 41 trường ĐH) được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài. Toàn hệ thống hiện có khoảng hơn 6.000 chương trình đào tạo cho thấy không phải trường nào cũng đã sẵn sàng cho việc giải trình và chịu trách nhiệm giải trình của mình trước toàn xã hội về các chương trình đào tạo. Trong khi đó, đã có 179/241 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Mục tiêu của Bộ GDĐT là tới năm 2025 cả nước có ít nhất 35% chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất.
PGS.TS Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho hay, công tác kiểm định chất lượng đòi hỏi phải có sự bền bỉ. Cần có kế hoạch chi tiết, sau khi được tổ chức kiểm định đánh giá, nhà trường cần nghiên cứu các khuyến nghị để khắc phục hạn chế, phát huy những ưu điểm để không ngừng cải tiến chương trình đào tạo, đạt được những tiêu chí của bộ tiêu chuẩn kiểm định.