Việc gây nuôi các động vật hoang dã đã đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao cho các hộ dân và trang trại.
Tuy nhiên, do tính chất đặc thù nên nếu quản lý không chặt chẽ loại hình chăn nuôi này sẽ dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng để mua bán, vận chuyển, kinh doanh trái pháp luật.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 113 trang trại, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với khoảng 8.300 cá thể; trong đó có, 72 cơ sở gây nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ, với 5.800 cá thể gồm các loài: gấu, cá sấu nước ngọt, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn hổ mang thường…. và 45 cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường, với 2.500 cá thể gồm các loại như nai, nhím, chim trĩ đỏ, dúi, lợn rừng lai.... Qua đó, mỗi năm, các trang trại cung cấp hàng chục tấn thịt và một số loại sản phẩm khác ra thị trường.
Anh Đặng Ngọc Cường, thôn Tân Phú, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức bắt đầu gây nuôi 11 con cầy vòi hương vào tháng 7/2020. Ngay sau khi gây đàn, anh Cường đã xuống Hạt Kiểm lâm Châu Đức – Bà Rịa để được các cán bộ kiểm lâm hướng dẫn làm thủ tục gây nuôi và cấp mã số quản lý đàn cầy vòi hương này. Cán bộ kiểm lâm cũng đã xuống tận cơ sở gây nuôi của anh Cường để ghi chép thông tin vật nuôi và hướng dẫn thủ tục để được cấp phép nuôi.
Anh Cường chia sẻ, hiện nay đàn cầy vòi hương của gia đình anh có 4 con đực, 7 con cái. Mỗi năm một con cái cầy vòi hương có thể sinh sản từ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa từ 3-4 con. Do anh Cường chủ yếu gây đàn để bán con giống, với 3,5 triệu đồng/con giống 2 tháng tuổi. Ước tính mỗi năm anh có thể thu về trên 100 triệu đồng từ tiền bán giống.
Gia đình anh Lê Văn Nhiều, ngụ ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức hiện đang nuôi nhốt 210 con rắn ráo trâu và 60 con hổ mang thường. Trang trại của gia đình anh Nhiều đi vào hoạt động từ năm 2015, với mục đích phát triển kinh tế. Hiện nay, mỗi con rắn thương phẩm do anh Nhiều nuôi từ 6-8 tháng là có thể xuất bán và có trọng lượng từ 2-3kg/con. Giá bán hiện nay từ 500.000 đồng/kg đối với rắn ráo trâu và 600.000 đồng/kg đối với rắn hổ mang thường. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về trên 80 triệu đồng từ việc bán rắn thương phẩm.
Anh Nhiều chia sẻ: “Trước khi gây nuôi các loài động vật hoang dã, quý hiếm này chúng tôi phải làm hồ sơ xin phép các cơ quan chức năng, khi có đủ thủ tục cần thiết chúng tôi mới được phép gây dựng cơ sở nuôi, khi mua con giống cũng phải mua ở các cơ sở có giấy phép được xuất bán”. Để đảm bảo an toàn cho việc gây nuôi, phát triển đàn rắn, ngay từ khi bắt đầu xây dựng cơ sở nuôi anh Nhiều đã phải tính đến việc đảm bảo an toàn khi gây nuôi loài động vật này như xây các hầm bằng xi măng, có nắp đậy chắc chắn đối với rắn hổ mang thường và đóng các hộc tủ bằng gỗ bên trong lót gạch, có cửa mở ra, đóng vào chắc chắn đối với việc nuôi rắn ráo trâu...
Có thể nói, các cơ sở nuôi, nhốt động vật hoang dã là một trong những biện pháp nhằm bảo tồn nguồn gen, giúp mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân nông thôn. Song, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã còn tồn tại một số hạn chế như xuất hiện tình trạng nuôi, nhốt trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; đưa động vật hoang dã khai thác trái phép ngoài tự nhiên vào nhập chuồng, để hợp thức hóa gây suy giảm nguồn lợi động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, môi trường, gây tác động tiêu cực đến quần thể các loài động vật….
Chính từ những tồn tại đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo hạt Kiểm lâm các huyện, thị, thành phố rà soát, cập nhập, theo dõi chặt chẽ tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn. Song song đó, thẩm định hồ sơ nguồn gốc, số lượng, chủng loại động vật hoang dã, tiêu chuẩn chuồng trại theo quy định để xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi cho các tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ trang trại, chủ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã để họ chủ động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, gây nuôi động vật hoang dã. Bên cạnh đó, ngoài việc kiểm tra định kỳ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng tổ chức các đợt thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Ngô Thanh Tiến, cán bộ Thanh tra - Pháp chế, Hạt Kiểm lâm Châu Đức- Bà Rịa cho biết, hàng kỳ, hàng quý, hạt sẽ cử cán bộ xuống các hộ, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã tại địa bàn phụ trách để kiểm tra, kiểm soát và thu thập thông tin các cơ sở gây nuôi như nắm thông tin về biến động đàn, cá thể gây nuôi của từng cơ sở…
Bên cạnh đó, cán bộ của hạt kiểm lâm cũng sẽ hướng các hộ nuôi mới làm các thủ tục cần thiết, để được cấp mã số nuôi đối với các cá thể quý hiếm. Điều này giúp đơn vị chức năng thuận lợi trong việc nắm được sự biến động trong tổng đàn nuôi của các trang trại.