Kiểm soát 'du lịch 0 đồng'

Duy Phương 03/04/2017 08:35

Gần đây, những tour du lịch chỉ có giá… 0 đồng đang trở thành điểm nóng trên thị trường du lịch. Nóng bởi lượng khách du lịch tăng lên bất ngờ khi xuất hiện các tour giá rẻ kiểu này, nhưng nóng hơn là ở nguy cơ ngành du lịch thất thu vì lượng khách tăng trong khi tiền lại trôi vào túi của các doanh nghiệp lữ hành chứ không phải vào ngân sách địa phương. Theo các chuyên gia ngành du lịch, phải quản lý, giám sát thật nghiêm đối với các điểm mua sắm mới góp phần giảm thiểu được “vấn nạn” du lịch ki

Cần có chiến lược đúng đắn thu hút du khách trong và ngoài nước
để ngành du lịch phát triển bền vững. Ảnh: T.L).

Tái diễn

Theo số liệu từ cơ quan Hải quan tỉnh Quảng Ninh, thời gian gầy đây, mỗi ngày địa phương này đón 5.000 - 7.000 lượt khách du lịch. Lượng khách tăng chóng mặt như vậy, đối với ngành du lịch đáng lẽ phải là tin vui, nhưng ngược lại, vấn đề lại đang trở thành nỗi nhức nhối với địa phương này vì khách nhiều nhưng tiền lại chẳng nhận được bao nhiêu vì thực tế, lượng tiền chủ yếu chảy vào túi các DN lữ hành. Cơ quan Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, có đến hơn 90% lượt khách làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái là để tham quan du lịch, chủ yếu thăm vịnh Hạ Long và một số địa điểm trong tỉnh Quảng Ninh. Lượng khách này chủ yếu là người Trung Quốc. Trên thực tế, lượng khách này sang Việt Nam chủ yếu thông qua các công ty du lịch của quốc gia này với giá chỉ… 0 đồng rồi bán rẻ lại cho các DN lữ hành Việt Nam.

Theo các chuyên gia ngành du lịch, DN lữ hành Trung Quốc tìm cách mời gọi khách du lịch bằng những tour du lịch “không tưởng” với giá chỉ bằng 0 đồng, thậm chí là âm tiền nhằm dụ hàng ngàn lượt du khách tham gia, nhưng đổi lại, tại các điểm đến, du khách buộc phải sử dụng các dịch vụ, mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm tại các cửa hàng mà người ta hay gọi nôm na là “cửa hàng ruột”, và du khách bị “chém đẹp” từ chính các cửa hàng này. Như vậy, vô hình trung, du khách đi tham quan tưởng được rẻ mà không rẻ, còn ngành du lịch địa phương thì hầu như chẳng thu được đồng nào.

Hiện tượng du lịch kiểu này không phải là mới xuất hiện. Nó đã xảy ra hồi năm 2016. Khi đó, người ta cũng chứng kiến hiện tượng du khách Trung Quốc tràn vào Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, Quảng Ninh… gây nhiều hệ lụy cho ngành du lịch, khiến cho các nhà quản lý ngành du lịch đau đầu. Trả lời báo giới, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, lỗi ở đây không phải ở khách Trung Quốc, bởi ai đi du lịch mà chẳng muốn đi được những tour giá rẻ. Vấn đề ở đây nằm ở chính các hướng dẫn viên người Việt khi tiếp tay cho các DN Trung Quốc để có thể thực hiện được các hành vi này.

Tham gia các tour giá rẻ chủ yếu là du khách Trung Quốc.

Loay hoay xử lý

Thực trạng du lịch 0 đồng đang trở thành vấn nạn trên thị trường du lịch hiện nay. Theo bà Lê Vàng - Chuyên viên Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam), những tour du lịch giá rẻ hay “tour 0 đồng” thực chất đã xuất hiện tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và cho đến giờ vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. “Ngày nay, khách Trung Quốc đến Nhật Bản và Hàn Quốc đi theo tour giá rẻ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Vì vậy, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, thậm chí âm đồng chính là hiện tượng phát triển tất yếu của thị trường”- bà Lê Vàng nhận định và cho biết, các quốc gia đều đã cố gắng kiểm soát, chấn chỉnh thị trường nhưng chưa quốc gia nào tìm được giải pháp triệt để, cuối cùng phổ biến nhất vẫn là xoay quanh bảo vệ lợi ích của khách, lấy khách du lịch làm trung tâm, xem xét mức độ khiếu kiện của khách để quyết định việc trừng phạt cũng như quản lý liên quan đến sản phẩm du lịch.

Cũng theo bà Lê Vàng, Chính phủ và ngành du lịch các nước đều muốn đoạn tuyệt với những tour giá rẻ “không tưởng”, song thực tế đều đang rất loay hoay, lúng túng, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh du lịch ngày càng khốc liệt như hiện nay. Trước thực trạng trên, vị chuyên gia này cho rằng, một trong những giải pháp cấp bách hiện nay đó là nhà quản lý cần quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu vi phạm cần phải xử lý mạnh tay bằng cách tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế. Đối với điểm mua sắm, nếu quản lý tốt thì đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ.

Do đó, để tránh việc các điểm mua sắm câu kết với các công ty DN nước ngoài, vị này khuyến cáo, cần gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách. Bên cạnh đó, việc thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga cũng rất quan trọng. “Số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện”- bà Lê Vàng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia ngành du lịch, việc quản lý giám sát thật nghiêm ngặt đối với các điểm mua sắm sẽ góp phần giảm thiểu được “vấn nạn” du lịch kiểu này. Ông Nguyễn Văn Mỹ- Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Lửa Việt cho rằng, nếu kiểm soát được các cửa hàng mua sắm trong việc đẩy giá bán lên cao bất thường, những tour dạng “0 đồng, âm đồng” sẽ không có đất sống. Song song với đó, vị này cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát hoạt động của các DN du lịch, không để cho phía nước ngoài điều hành tour ở hoặc tổ chức chương trình cho khách tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát 'du lịch 0 đồng'