Bộ Y tế cho biết, mặc dù số vaccine phòng Covid-19 được phân bổ đợt 146 và 147 chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tiêm chủng mũi nhắc lại của các địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn có nhiều địa phương chưa tiếp nhận hết, có văn bản đề nghị không nhận hoặc điều chuyển vaccine.
Người dân từ chối tiêm chủng
Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính tới thời điểm hiện tại, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm trên cả nước là 223.511.691 liều. Cụ thể hơn, gần 100% người trên 12 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 2 liều cơ bản và tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt khoảng 63%.
Với những số liệu trên, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới và kết quả trực tiếp nhất của việc này được thể hiện ở chỗ các ca mắc Covid-19 nặng và tử vong đã giảm mạnh trong thời gian qua - tỷ lệ tử vong đã giảm từ 2,4% vào những tháng cuối năm 2021 xuống còn 0,4% ở hiện tại. Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 hiện đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng 12 tháng qua với 568 ca mắc mới được công bố ngày 12/6. Số F0 khỏi cao gấp gần 10 lần và 7 ngày qua cả nước không có ca tử vong.
GS. TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhận định, với tỷ lệ tiêm chủng cao và khống chế dịch bệnh tốt, các hoạt động hàng ngày của cuộc sống cơ bản đã trở về bình thường. “Công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 vẫn đang tiếp tục cho các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine đang gặp một số khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là sự từ chối tiêm chủng từ phía người dân, đòi hỏi các địa phương cần tích cực và tăng cường hơn nữa công tác tiêm chủng” - ông Anh chia sẻ.
Nhận định về tình hình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Điều hành Bộ Y tế đánh giá, tốc độ tiêm chủng đang chậm lại một phần nguyên nhân là do người dân, cán bộ chủ quan, lơ là, chưa hiểu rõ tác dụng và tầm quan trọng của vaccine trong phòng, chống Covid-19.
Vaccine vẫn là khâu then chốt để phòng dịch
Lý giải về tầm quan trọng của việc tiêm mũi vaccine nhắc lại, bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng (UNICEF) của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay: “Các vaccine phòng Covid-19 hiện hành rất hiệu quả để ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Nhưng không có vaccine nào bảo vệ 100%. Nó cũng giống như đối với các loại vaccine khác, chẳng hạn như vaccine phòng cúm. Theo thời gian, khả năng bảo vệ của vaccine có thể giảm đi, có nghĩa là vẫn có thể bị mắc Covid-19 dù đã được tiêm chủng. Nếu mắc bệnh sau khi đã tiêm chủng, hầu hết thường sẽ có các triệu chứng nhẹ, hoặc có thể không có triệu chứng gì. Liều nhắc lại được khuyến nghị tiêm từ 3-6 tháng để duy trì khả năng bảo vệ miễn dịch chống lại Covid-19 và các biến thể”.
Bên cạnh đó, tâm lý cho rằng đại dịch Covid-19 có thể sớm kết thúc cũng đã được nhiều chuyên gia chỉ ra rằng không có cơ sở. Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến thời điểm hiện tại là “đại dịch chưa kết thúc”. WHO vẫn có các báo cáo diễn biến dịch, sự biến đổi, tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Hiện nhiều nước trên thế giới đã triển khai mũi tiêm thứ 4 vaccine phòng Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.
Đáng lo ngại hơn, WHO cũng cảnh báo, các biến thể phụ của Omicron với nguy cơ lây nhiễm cao đang ngày càng phổ biến, làm gia tăng số ca mắc Covid-19 ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Sự "biến hình" không ngừng của virus SARS-CoV-2 là mối đe dọa thường trực, thúc giục các nước phải thận trọng, cảnh giác và chủ động ứng phó với mọi kịch bản dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Theo WHO, biến thể phụ BA.2 của Omicron đang là dòng gây bệnh chủ đạo trên thế giới và khiến số ca mắc Covid-19 gia tăng tại hơn 50 quốc gia. Các biến thể dòng phụ là BA.4 và BA.5 cũng nằm trong diện bị cảnh báo. Khoảng 700 ca nhiễm dòng phụ BA.4 được phát hiện ở ít nhất 16 quốc gia và 300 ca nhiễm BA.5 được phát hiện ở 17 quốc gia. Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove cho biết, dù hai dòng phụ này không gây nguy hiểm hơn so với biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn. Một dòng phụ khác là BA.2.12.1 cũng đã xuất hiện ở 23 quốc gia, với hơn 9.000 ca mắc.
Mặc dù việc tiêm vaccine mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) không bắt buộc mà dựa trên tinh thần tự nguyện. Thế nhưng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, với đặc tính liên tục tiến hóa nên các biến thể của SARS-CoV-2 rất khó để xác định tính nguy hiểm, mức độ tăng nặng và tử vong. Omicron đang là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca mắc có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở nhóm dễ bị tổn thương; tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ...
Đến thời điểm này, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều vẫn được coi là yếu tố quan trọng để đảm bảo phòng bệnh, do vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, nếu địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương tổ chức thực hiện.