Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 2 tháng đầu năm đã tăng đáng kể. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, năm nay áp lực lạm phát sẽ lớn hơn. Vậy giải pháp nào để kiểm soát lạm phát? Theo giới chuyên gia kinh tế, quan trọng là phải thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt.
Kiềm chế sự gia tăng chỉ số giá tiêu dùng phải được tiến hành thường xuyên
Sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 2 tháng đầu năm 2018 được giải thích bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tăng mạnh chi tiêu trước và sau Tết Nguyên đán. Tuy thế thì làm gì để kìm chế tốc độ gia tăng CPI vẫn được đặt ra. Phóng viên Đại Đoàn Kết đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ về vấn đề này.
Ông Bùi Đức Thụ.
PV: Thưa ông, CPI tháng 2 tăng 0,73% so với tháng 1 và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. CPI tăng như vậy sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của cả năm nay như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Đức Thụ: Ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những điều kiện quan trọng để duy trì sự phát triển bền vững. Nếu tăng trưởng phát triển nhanh nhưng môi trường không ổn định là chưa đạt mục tiêu đề ra. Cho nên kiềm chế, kiểm soát lạm phát là vấn đề thực tiễn. Tôi cho rằng đó không chỉ là vấn đề trong năm nay mà còn là vấn đề thường trực trước yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, là đòi hỏi của vận hành nền kinh tế thị trường. Do đó Thủ tướng đã có sự quan tâm đến vấn đề này. Trong diễn biến những tháng đầu năm, chỉ số CPI tháng 1 là 0,51%, tháng 2 là 0,73%. Với tốc độ như thế này, rõ ràng chỉ tiêu mà Quốc hội yêu cầu chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 ở mức dưới 4% là vấn đề khó khăn. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, đảm bảo tốc độ tăng giá hợp lý.
Theo ông đâu là nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao, bởi tiêu dùng trong dịp Tết cũng chỉ là một yếu tố?
- Nguyên nhân tương đối rõ. Về lý thuyết kinh tế thì có 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất do chi phí đầu vào tăng lên, gây áp lực với giá đầu ra, khi giá đầu ra của xã hội tăng lên sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng. Nguyên nhân của vấn đề này là do ta điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục nên giá đầu vào tăng. Đặc biệt là sự phục hồi của giá dầu từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018 đã lên trên 50 USD/ thùng. Do giá dầu tăng khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tổ chức cá nhân kinh doanh tăng lên; khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng lên.
Nguyên nhân thứ hai, trong năm 2017 xuất khẩu của ta tăng khá, cán cân tổng thể thanh toán quốc tế thặng dư với lượng kiều hối, ngoại hối, đầu tư nước ngoài, giao dịch vãng lai lớn. Cân đối xuất nhập khẩu có biểu hiện tốt dẫn đến chúng ta có cơ hội mua được trên 13 tỷ USD để duy trì dự trữ ngoại hối, trong những tháng đầu năm đã mua được trên 4 tỷ USD nâng tổng mức dự trữ ngoại hối của chúng ta đến nay khoảng 60 tỷ USD. Đó là điều tốt trong quản lý điều hành, tăng cường nền kinh tế nhà nước. Nhưng điều đó cũng khiến cho cung của tiền đồng đưa ra tương đối lớn. Đây cũng là một trong những lý do gây áp lực đối với việc tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Thưa ông, giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm khá chậm. Vậy điều đó có ảnh hưởng đến lạm phát?
- Chính sách điều hành của tài khóa là chính sách độc lập nhưng cũng đặt trong mối quan hệ tác động tương hỗ hết sức mật thiết với chính sách tiền tệ. Một trong những nguyên nhân vừa qua làm cho lạm phát tăng đó là chính sách tài khóa chưa thông thoáng. Biểu hiện ở chỗ 2 tháng đầu năm việc giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp, chỉ 9%. Như vậy là chậm so với tiến độ. Nếu chi tiền theo đúng tiến độ lộ trình, chắc chắn tăng trưởng sẽ cao hơn. Nhưng đứng ở góc độ kiểm soát lạm phát nó cũng có cái tác dụng là hạn chế tốc độ tăng giá tiêu dùng. Ở chỗ, tiền từ ngân sách nhà nước, cũng như tiền đi vay giải ngân chậm thì tồn trong kho bạc nhiều. Vì tồn nhiều trong kho bạc dẫn đến làm giảm tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Tất nhiên số tồn trong kho bạc, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cho hệ thống các tổ chức tín dụng vay một phần nhưng số đó là của năm 2017, còn sang đầu năm 2018 chưa biểu hiện nhiều.
Nhưng dù sao giải ngân chậm dẫn đến tiền tồn đọng trong kho bạc do vậy làm giảm tổng phương tiện thanh toán. Nhưng tới đây giải ngân thông thoáng hơn thì tiền đổ ra xã hội sẽ lớn hơn. Cho nên Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm điều chỉnh tổng mức cung tiền tệ. Vì là “nhạc trưởng” giúp cho Chính phủ trong kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ do đó Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách tiền tệ căn cứ vào các yếu tố để điều chỉnh mức cung tiền tệ cho hợp lý. Nếu như điều chỉnh mức cung tiền tệ quá lớn không phù hợp với dung lượng thị trường, tổng mức hàng hóa lưu thông trên thị trường thì sẽ gây lên áp lực lạm phát gia tăng. Cho nên hơn lúc nào hết, trong những tháng còn lại phải thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt.
Vậy theo ông, cần những giải pháp nào trong điều hành để kiểm soát lạm phát?
- Để kiểm soát lạm phát cần phải xử lý triệt để các nguyên nhân như đã đề cập. Những tháng còn lại phải tập trung điều hành giá. Với các mặt hàng Nhà nước quản lý cần cân nhắc thận trọng, tính toán, nhất là trong bối cảnh biến động của thị trường thế giới tác động đến ta là tương đối nhiều. Tôi xin lưu ý là năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 1,9 GDP. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế rất rộng điều đó có ý nghĩa mọi biến động của thị trường thế giới đều tác động lớn vào nền kinh tế nước ta. Do đó ngoài biến động kinh tế trong nước, chúng ta cần tính đến biến động quốc tế tác động vào nền kinh tế như giá dầu thế giới phục hồi và tăng cao, rồi do các mặt hàng thế giới tăng lên thì cơ cấu xuất nhập khẩu sẽ gây sức ép đến mặt bằng giá khiến giá trong nước sẽ bị đẩy lên.
Như vậy từ dự báo thị trường quốc tế, Chính phủ cần có chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hội nhập kinh tế phù hợp, đặc biệt những chính sách đối với nền kinh tế nội địa để làm sao thích ứng và ứng phó với biến động của nền kinh tế thế giới vào nền kinh tế Việt Nam. Trên cơ sở đó duy trì được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Mọi chủ trương chính sách, đặc biệt kiểm soát đối với mặt hàng giá cũng như điều tiết cung cầu của nhà nước đối với từng ngành hàng, lĩnh vực phải có những đề án, giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
Trong kiềm chế lạm phát, tổng thể là trách nhiệm của các cấp các ngành nhưng trực tiếp và trách nhiệm chính là Ngân hàng Nhà nước. Cho nên phải điều hành chính sách tiền tệ để giữ ổn định sức mua của đồng Việt Nam, ổn định sức mua của đồng Việt Nam chính là điều kiện tiên quyết để kiểm soát lạm phát. Nếu như điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng, không dựa vào tín hiệu thị trường có thể dẫn đến tình trạng để cho lạm phát trượt lên. Tôi lưu ý chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô bao giờ cũng có độ trễ do đó điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức linh hoạt. CPI trong 2 tháng đã tăng, nếu điều hành không chặt chẽ thì những tháng còn lại lạm phát còn tăng mạnh hơn nữa. Gánh nặng đó cũng là trách nhiệm lớn trong điều hành chính sách tiền tệ, mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường, chú trọng, quyết liệt, và nhạy cảm hơn. Trong những tháng còn lại của năm nay điều hành chính sách tiền tệ phải thận trọng, thắt chặt để kiểm soát lạm phát, đưa về thế ổn định.
Trân trọng cảm ơn ông!