Đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh...
Thông tin này được đưa ra tại buổi tổ chức họp báo về việc triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023, tổ chức sáng 27/2.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, năm 2022 là năm “rất khác biệt”. Tuy nhiên, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt để thích ứng trước diễn biến khó lường và áp lực lớn của thị trường quốc tế. Trong năm 2022, có thời điểm tỷ giá tăng cao nhất lên tới 9%. Đến cuối năm, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 3,81% so với cuối năm 2021, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới. Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng (TCTD) đáp ứng, trong đó nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Liên quan đến việc xử lý các ngân hàng yếu kém, đại diện NHNN cho biết đã có những giải pháp tích cực. Chẳng hạn, trước những khó khăn của ngân hàng SCB, NHNN đã áp dụng kiểm soát đặc biệt.
“Có thể coi đây là sự kiện nóng của năm 2022. Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này và tiếp tục từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB" - ông Tú nói và cho biết mặt bằng lãi suất đã được NHNN duy trì ở mức thấp trong hơn 6 tháng đầu năm. Nửa cuối của năm, tình hình thế giới đã tác động mạnh tới tỷ giá của Việt Nam, do đó tháng 9, NHNN đã tăng lãi suất điều hành để phù hợp xu hướng chung. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất điều hành của NHNN còn thấp hơn nhiều so với các nước. Lãi suất cho vay bình quân cũng chỉ tăng khoảng 0,8% so với cuối năm 2021, thấp hơn nhiều so với các nước.
Đến tháng 11, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản các TCTD cải thiện hơn, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động cân đối phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, lãnh đạo NHNN khẳng định tiếp tục tập trung nhiệm vụ kiểm soát lạm phát với mục tiêu khoảng 4,5% và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tới đây, ngành ngân hàng sẽ có diễn đàn tín dụng để đánh giá rõ hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng, của cơ quan quản lý thị trường này, của doanh nghiệp triển khai dự án bất động sản…"Mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định, không để bong bóng, không để đóng băng" – Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.