Ngày 3/3, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng...
Thu ngân sách nhà nước tăng 10,6% so với cùng kỳ
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tháng 2 - tháng đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi đáng chú ý. Tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục có những diễn biến mới. Chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt; sức mua giảm sút từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức...
Ở trong nước, nhìn chung thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép đến từ cả bên trong và bên ngoài. Song trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế cơ bản ổn định. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong 2 tháng, thu ngân sách nhà nước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; xuất siêu 2,82 tỷ USD; an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. So với cùng kỳ, CPI giảm từ 4,89% trong tháng 1 xuống 4,31% trong tháng 2. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng...
Ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chỉ còn 1 tháng nữa là hết quý I năm 2023, quý khởi đầu và tạo đà cho cả năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.
Thủ tướng chỉ rõ, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro; tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ; hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Số DN rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm tăng 14,5%. Thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn về thanh khoản, dòng tiền; Vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...
Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, mất bình tĩnh, dao động; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ. Chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm. Khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định về giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ người dân, DN.
Nhanh chóng giải quyết gói hỗ trợ lãi suất 2%
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu, hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đề nghị, hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án và kế hoạch phân bổ vốn còn lại. Nhanh chóng giải quyết những ý kiến còn khác nhau đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% và sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung. Có phương án xử lý số dư trên 2,8 nghìn tỷ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đề nghị, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023; Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tín dụng đen, tội phạm trên môi trường mạng.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua đất nước ta có nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng, trong đó có các kỳ họp của Trung ương và Quốc hội, Quốc hội đã bầu ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và mong nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong thời gian tới trên tất cả các mặt công tác.