Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Cụ thể, những giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí (ONKK) được đưa ra bao gồm: Kịp thời cảnh báo ONKK cho cộng đồng; Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường; Đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp ngăn ngừa ONKK; Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành; Tiến tới không sử dụng than trong sinh hoạt ngay từ đầu năm 2021; Đôn đốc, kiểm tra các chủ dự án, do vị quản lý, thi công các công trình. xây dựng, giao thông; Đôn đốc, kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn, có nguy cơ cháy nổ cao…
Thực tế thời gian qua ONKK tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP HCM, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ONKK chưa đồng bộ, hiệu quả.
ONKK được cảnh báo nhiều năm nay ở Việt Nam, nhất là trong thời gian gần đây, nhưng tình hình chưa được cải thiện. Nhiều căn bệnh như viêm phổi, ung thư phổi được phát hiện có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí. Vậy tại sao tình trạng này kéo dài mà chúng ta vẫn đành bó tay?
Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là công cụ chính sách chưa đầy đủ, chưa phát huy được hiệu quả. Luật Bảo vệ Môi trường hiện tại (đã qua 3 lần sửa đổi) nhưng còn chung chung với các nguồn ô nhiễm khác nhau, chưa đi sâu và cụ thể vào quản lý ONKK, thiếu công cụ quản lý hiệu quả và phân tán trách nhiệm đối với các nguồn khí thải, mức xử phạt không đủ tính răn đe. Một số điều đã được nêu rõ trong luật nhưng thực thi không tốt như quy định về kiểm kê khí thải, đăng ký các nguồn thải khí.
Cho đến nay vẫn không biết được có bao nhiêu cơ sở sản xuất phát thải khí thải, vẫn chưa có văn bản dưới luật quy định phương pháp kiểm kê khí thải. Do đó các địa phương chưa thực hiện kiểm kê khí thải, vẫn không biết những nguồn ô nhiễm nào là chính để có các chính sách kiểm soát cần thiết. Đầu tư về nguồn lực tài chính và con người cho hệ thống quan trắc không khí, quản lý chất lượng không khí, xử lý ONKK là rất hạn hẹp.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường nhận định, Việt Nam đang thiếu những định hướng cụ thể cho giải quyết vấn đề ONKK. Hiện nay, việc giám sát, kiểm soát khí thải giao thông, đặc biệt với phương tiện cũ, khí thải từ làng nghề, cụm công nghiệp…gần như là thả nổi. Trong nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn bày tỏ: Hiện mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng là vấn đề ô nhiễm môi trường tự nhiên. Mặc dù, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhưng ô nhiễm nước, không khí... vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhiều vụ việc bị phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm nên không có tác dụng răn đe.
Vậy giải pháp nào hữu hiệu nhất để sớm kiểm soát tình trạng ONKK hiện nay? PGS.TS Vũ Thanh Ca - giảng viên cao cấp Đại học TN&MT cho biết, kiểm kê nguồn phát thải mới là giải pháp căn cơ và cốt yếu để giải quyết vấn đề ONKK tại Hà Nội. Khi đã đánh giá, điều tra được vị trí phát thải thì mới sử dụng mô hình số trị đáng tin cậy, có khả năng tính toán lan truyền biến đổi các chất ONKK như khói, bụi, khí độc... Phải đánh giá tất cả các nguồn có tiềm năng gây ô nhiễm mới tiến hành bước kiểm định mô hình, sau đó mới tính toán các kịch bản.
Theo phân loại chất lượng không khí của Việt Nam, ô nhiễm ở ngưỡng tím sẽ rất có hại cho sức khỏe trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp; ô nhiễm ở ngưỡng nâu sẽ nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Trong khi trông chờ những giải pháp căn cơ, trông chừng cho chế tài xử lý đủ mạnh thì người dân đành phải học cách tự bảo vệ mình trước khuyến cáo của các chuyên gia y tế, môi trường như là việc hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời; đeo khẩu trang khi tham gia giao thông; vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường.
Nhưng những khuyến cáo ấy chỉ áp dụng với những người người làm việc ở văn phòng, trong các cơ quan, công sở. Còn đa phần với những phận người phải vật lộn mưu sinh, họ đành phải đối mặt thường xuyên với ô nhiễm, khói bụi chứ không còn có lựa chọn nào khác. Vì thế, để đảm bảo người dân, cộng đồng có môi trường sống sạch, việc kiểm soát ONKK phải được tiến hành càng sớm càng tốt, không thể chần chừ.